Thiết bị y tế: Đầu vào lộ rõ nhiều hớ hênh

Nhiều bệnh viện vi phạm về an toàn bức xạ (Ảnh: Hoàng Nhung)

Trao tặng thiết bị y tế cho quân dân Cao Bằng

Có thể ung thư vì... thiết bị y tế

Công ty thiết bị y tế Bio-Rad hối lộ quan chức như thế nào?

Bộ Y tế: Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm trong vụ mua bán thiết bị y tế

TP.HCM: Rà soát hồ sơ dự thầu trang thiết bị y tế

100% TBYT sai số, 99% hết hiệu lực kiểm định

TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nói: “Đến một cái cân dùng để cân hàng hóa ở chợ chúng ta còn yêu cầu phải kiểm định thì cớ gì những trang thiết bị y tế quan trọng, có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người lại không bắt buộc kiểm định”.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, có địa phương khi kiểm tra 331 thiết bị y tế gồm huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não và cân sức khỏe thì có tới 327 thiết bị hết hiệu lực kiểm định (99%). Thậm chí, 17/49 huyết áp kế có sai số vượt mức cho phép.

Đặc biệt, nhiều địa phương 100% thiết bị y tế được kiểm tra đều phát hiện sai số. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiểm tra 852 nhiệt kế, 98 áp kế bình thở oxy, 88 máy đo điện tim thì thấy 100% áp kế bình thở oxy, nhiệt kế, 45,5% máy đo điện tim có vấn đề. Có tỉnh như Gia Lai, kiểm tra 345 huyết áp kế, 43 máy đo điện tim, hai nhiệt kế, ba máy đo điện não, 314 áp kế bình oxy thì 100% đều có vi phạm, chủ yếu là vi phạm về kiểm định.

Trước đó, trong 1.493 cơ sở y tế được kiểm tra có sử dụng thiết bị X-quang, đã có 702 cơ sở (chiếm 25,3%) vi phạm và bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,441 tỷ đồng. Trong số này, có 379 cơ sở vi phạm quy định về đo lường (chiếm 54%) và 323 cơ sở vi phạm quy định về an toàn bức xạ (chiếm 46%).

Vi phạm trong đo lường chủ yếu là về kiểm định (chiếm 93%). Đối với các cơ sở y tế, các vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ cá nhân (18,5%), còn lại là những vi phạm về giấy phép tiến hành công việc bức xạ, vi phạm về kiểm định máy, vi phạm về đánh giá an toàn phòng chụp.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: Vietq) 

Người trong cuộc nói gì?

Ông Trần Minh Dũng chia sẻ, những con số trên thực sự làm giật mình tất cả các cơ quan chức năng quản lý liên quan với hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về kiểm định PTĐ (phương tiện đo). 

Điều đáng nói, những trang TBYT trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh nếu không được kiểm định, hoặc quá hạn kiểm định sẽ cho ra những sai số rất lớn. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu cho người bệnh và khiến bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị sai.

"Trước khi đưa bất kỳ trang TBYT nào vào sử dụng thì đơn vị cung cấp trang TBYT đó phải đảm bảo kiểm định về sản phẩm theo quy định của pháp luật, có các quy trình, thời gian kiểm định cụ thể. Tuy nhiên, có một thực tế là việc kiểm định ban đầu đã bị "bỏ ngỏ" trong một thời gian dài và ý thức trách nhiệm quản lý Nhà nước về đo lường đối với PTĐ nhóm hai còn yếu. Ngoài ra cũng còn do có sự chồng chéo, phối hợp hạn chế trong quản lý giữa cơ quan chủ quản - Bộ Y tế với cơ quan chức năng - Bộ Khoa học – Công nghệ”, ông Dũng nói.

Với những PTĐ có "vấn đề" đã được công bố trong kết luận, hướng giải quyết là sẽ tiến hành kiểm định lại, bởi các cơ quan chức năng có liên quan. Nếu không vượt qua được kiểm định phải loại bỏ những TBYT đó.

Đồng tình với ông Trần Minh Dũng, bà Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhiều năm qua công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế ở nước ta hết sức lỏng lẻo. Nhiều thiết bị không đảm bảo nhưng vẫn được sử dụng. Chưa kể có nhiều máy móc hết hạn sử dụng nhưng lại được tân trang, chỉnh sửa làm mới.

“Tất cả những cái đó là hết sức nguy hại. Bởi đã là thiết bị y tế thì kể cả những cái rất nhỏ như đo nhiệt kế, huyết áp, xi lanh cũng đều có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người… Đơn cử như khi nhiệt kế chất lượng không đảm bảo, báo từ không sốt thành có sốt, dẫn đến người dân phải uống thuốc. Hậu quả là người dân đang từ không ốm lại trở thành ốm”, bà An nhấn mạnh.

Cần phải có những quy định quản lý thật chặt chẽ về trang thiết bị y tế (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Chính vì vậy, đã là thiết bị y tế thì đòi hỏi phải đạt chuẩn, phải được kiểm định rõ ràng của các cơ quan nhà nước. Có đủ điều kiện đạt chuẩn và được cấp phép thì mới được đưa vào hoạt động phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lại có suy nghĩ khác. Theo ông Tiên, khó có thể quy định tất cả các thiết bị y tế khi nhập khẩu vào trong nước bắt buộc phải kiểm định, vì không đủ nhân lực, vật lực.

Có những thiết bị không cần thiết phải kiểm định khi nhập khẩu như dao, kéo… Chỉ những thiết bị, máy móc quan trọng thuộc nhóm A liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng con người như: Máy chụp chiếu, cộng hưởng từ, X-quang… mới bắt buộc phải kiểm định khi nhập khẩu. “Những máy móc đó rất quan trọng, có thể gây thiệt mạng con người nên đòi hỏi phải kiểm định chặt chẽ, rõ ràng. Nếu không kiểm định, dẫn đến nhập khẩu thiết bị không rõ ràng, chất lượng không tốt sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân”, ông Tiên nói.

Trước những sai phạm trên của các cơ sở y tế, một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc, như TP.Hồ Chí Minh (xử phạt 22 cơ sở với số tiền 146,5 triệu đồng), Kon Tum (xử phạt 11 cơ sở với 126 triệu đồng), Quảng Nam (xử phạt 16 cơ sở với 85 triệu đồng)… Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn áp dụng nhiều hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, tước quyền sử dụng giấy phép tiến hành công việc bức xạ có thời hạn.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý