Thử nghiệm đầu tiên vaccine phòng và điều trị ung thư vú trên người

Thử nghiệm thành công giai đoạn 1 vaccine ung thư vú trên người - Ảnh: EurekAlert.

GE Healthcare, TD Medical và Vinmec cùng triển khai tầm soát miễn phí ung thư vú

Hạt lanh giúp ngăn ngừa ung thư vú?

BV Đại học Y Hà Nội hợp tác nghiên cứu ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư vú

Những bước tiến trong việc tiếp cận các liệu pháp điều trị ung thư vú

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Washington, Seattle (Mỹ) đã phát triển một loại vaccine có khả năng ngăn ngừa và điều trị các loại ung thư vú khác nhau, bao gồm cả dạng ung thư vú dương tính với HER2 nguy hiểm. 

Ung thư vú dương tính với HER2 là một loại ung thư vú, trong đó các tế bào ung thư vú có một thụ thể protein gọi là HER2 (thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì 2). Thông thường, protein này giúp các tế bào vú phát triển, phân chia và tự sửa chữa. Nhưng đôi khi, nó bị lỗi trong gene kiểm soát protein HER2 và cơ thể sẽ tạo ra quá nhiều các thụ thể này. Kết quả là các các tế bào vú phát triển và phân chia không kiểm soát.

Trong vài thập kỷ qua, một trong những phương pháp điều trị lâm sàng hiệu quả hơn đối với loại ung thư vú này là liệu pháp kháng thể đơn dòng được thiết kế để ngăn chặn hoạt động của HER2 trên các tế bào khối u. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ lâu đã nghiên cứu về vaccine có thể "huấn luyện" hệ thống miễn dịch để nhắm mục tiêu các tế bào khối u dương tính với HER2 này.

Những loại vaccine ung thư này không được "thiết kế" để trở thành vaccine phòng ngừa và ngăn chặn ung thư xuất hiện ngay từ đầu. Thay vào đó, chúng được gọi là vaccine điều trị, được tiêm cho người bệnh sau khi họ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư với hy vọng chúng giúp hệ thống miễn dịch tìm kiếm và "tiêu diệt" một số khối u tốt hơn.

Các nhà khoa học nhận thấy, ở những người mắc bệnh ung thư có một loại phản ứng miễn dịch gọi là miễn dịch gây độc tế bào hoặc "tiêu diệt" tế bào - sẽ ít có khả năng bị ung thư tái phát sau khi điều trị và có thời gian sống sót lâu hơn so với những người không có phản ứng miễn dịch như vậy. 

Tiến sĩ Mary Disis đang trao đổi cùng các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm South Lake Union (Mỹ) - Ảnh: UW

Tiến sĩ Mary Disis đang trao đổi cùng các đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm South Lake Union (Mỹ) - Ảnh: UW

Để kích thích loại phản ứng này, trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Mary “Nora” L. Disis và các đồng nghiệp của cô đã tạo ra một loại vaccine DNA. Không giống như vaccine protein, thường chứa một protein hoặc một phần của protein mà bạn muốn hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu, vaccine DNA chứa các chỉ dẫn DNA cho protein mục tiêu. Vaccine đang được nhóm nghiên cứu thử nghiệm "thúc đẩy" các tế bào sản xuất một đoạn DNA cụ thể của protein HER2.

Thử nghiệm Giai đoạn 1 đã bắt đầu cách đây từ 20 năm, với 66 bệnh nhân mắc ung thư vú di căn giai đoạn cuối dương tính với HER2 đã được tham gia vào nghiên cứu. Ba mức liều khác nhau từ thấp, trung bình đến cao đã được thử nghiệm, với mục tiêu chính của thử nghiệm là đánh giá tính an toàn lâu dài của vaccine.

Bước đầu cho thấy, tất cả những người phụ nữ hoàn thành một liệu trình điều trị tiêu chuẩn đã thuyên giảm hoàn toàn hoặc chỉ còn khối u trong xương, có xu hướng phát triển chậm lại.

Tiến sĩ Mary Disis cho biết: "Kết quả cho thấy vaccine rất an toàn.Trên thực tế, các tác dụng phụ phổ biến nhất mà chúng tôi thấy ở khoảng một nửa số bệnh nhân rất giống với những gì bạn thấy khi tiêm vaccine COVID-19 như: đỏ, sưng tại chỗ tiêm và có thể sốt, ớn lạnh, cùng các triệu chứng giống cúm”.

Vaccine mới cũng kích thích thành công đáp ứng miễn dịch gây độc tế bào mong muốn mà không gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng, với phản ứng miễn dịch mạnh nhất xuất hiện ở những bệnh nhân dùng liều trung bình.

Thử nghiệm chưa thể đánh giá hoàn toàn mức độ hiệu quả của vaccine trong điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, tiến sĩ Mary Disis đã chỉ ra những dấu hiệu sớm đầy hứa hẹn về hiệu quả của vaccine, với 80% những người tham gia thử nghiệm được điều trị sống sót sau 10 năm theo dõi và khoảng 50% bệnh nhân ung thư vú HER2 giai đoạn cuối sống sót hơn 5 năm.

Thử nghiệm Giai đoạn 2 hiện đang được nhóm nghiên cứu tiến hành để đánh giá hiệu quả của vaccine đối với nhóm bệnh nhân ung thư vú lớn hơn.

"Nếu kết quả của thử nghiệm vaccine giai đoạn 2 có đối chứng ngẫu nhiên mới là dương tính, thì đó sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ để chúng tôi nhanh chóng tiến tới thử nghiệm cuối cùng ở giai đoạn 3. Tôi rất hy vọng rằng chúng ta sắp có một loại vaccine có thể điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị ung thư vú” - Tiến sĩ Mary Disis chia sẻ.

Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí JAMA Oncology.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Newalats/UW)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn