3 Đúng để chữa "căn bệnh dai dẳng"

Không ít nghệ sỹ tiếp tay quảng cáo "lố" TPCN khiến dư luận bức xúc vẫn chưa bị xử phạt nghiêm khắc (ảnh minh họa)

660 ngày “nằm gai nếm mật” của U23 Việt Nam

1,3 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 21/4/2022

Làm sao để biết đâu là món ăn tốt cho người bệnh đái tháo đường?

Điều đó cũng dễ hiểu, là qua đại dịch COVID-19 người dân càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe, có như cầu tăng cường sức đề kháng của cơ thể, bồi bổ, phục hồi sức khỏe bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đấy là cơ hội cho ngành thực phẩm chức năng, với những sản phẩm tốt hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, ngoài ra có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật… Nhưng đó là với những đơn vị làm ăn chân chính, coi trọng sức khỏe của người dân, thực sự coi khách hàng là “thượng đế”. Còn với những đối tượng muốn kiếm tiền bất chấp tất cả thì đây cùng là cơ hội “làm ăn” để chộp giật những đồng tiền bẩn.

Cơ quan chức năng đang ra tay xử lý tình trạng nhức nhối này. Trong tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2002” nêu ra nhiều giải pháp kiến nghị các bộ, ngành cùng quyết liệt vào cuộc xử lý vi phạm.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các quảng cáo vi phạm quy định trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter, YouTube, Coccoc... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Đồng thời rà soát quản lý chặt điều kiện mở website, tên miền để khi phát hiện sai phạm về quảng cáo tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm.

1704maodanhvtv185356-1650195725120734738113-d34951650196350430

Mạo danh cơ quan truyền thông để quảng cáo "lố" trên mạng (ảnh VTV)

Bô Y tế đề nghị Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên sàn giao dịch thương mại điện tử, công ty đa cấp, giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.

Đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm nghệ sỹ quảng cáo "nổ" cho thực phẩm chức năng. Được biết, đây là lần đầu tiên việc quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược” được đề nghị xử lý ở cấp độ liên ngành.

Dư luận đang trông đợi kết quả đến từ sự phối hợp liên ngành này. Tin từ đại diện Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, được báo Tuổi trẻ dẫn ngày 20/4, cho biết chỉ từ cuối tháng 3 đến nay đã có 6 nhà sản xuất thực phẩm chức năng có quảng cáo “lố” bị xử phạt. Một số nghệ sỹ nổi tiếng tham gia vào việc quảng cáo “nổ” đã bày tỏ sự “sám hối” trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa thấy cơ quan chức năng công bố đã xử phạt một ai như kiến nghị của Bộ Y tế. Cũng như chưa thấy xử lý hình sự vụ việc vi phạm nghiêm trọng nào!

Tuy nhiên, vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng “nổ” như “thần dược” không phải là hiện tượng mới. Mà đây có lẽ là căn bệnh dai dẳng gắn với ngành này. Ngay tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, thời gian qua, dù các bộ, ngành chức năng như Công an, Thông tin và Truyền thông… cũng đã vào cuộc với Bộ Y tế, nhưng tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng chưa chuyển biến đáng kể.

Ngược dòng thời gian, từ giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ đạo việc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm khi đó đã có công văn 3220/BYT-ATTP gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an đề nghị triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ...

quangcao-1617695102431600538270-crop-16176951524211767966630

Mượn danh các bác sỹ để quảng cáo sản phẩm (ảnh Tuổi trẻ)

Bộ Y tế khi ấy cho biết các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như "thần dược", quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, dược sỹ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"... là rất phổ biến. Thậm chí, một số chương trình quảng cáo còn lạm dụng việc tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ, nghệ sỹ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên. Hiện nay thì vi phạm đã bị phát hiện còn tinh vi hơn với sự tham gia của những “diễn viên quần chúng” giả danh người bệnh khỏi bệnh nhờ sản phẩm và thầy lang tư vấn dùng sản phẩm.

Bên cạnh đó, các vi phạm quảng cáo về thực phẩm chức năng trong lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, Google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài).

Ngành thực phẩm chức năng vẫn nêu cao một phương châm 3 Đúng là “Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng” (được Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đăng tải ngay trên trang chủ của Hiệp hội, vaff.org.vn). Từ cách đây hơn 1 thập kỷ (năm 2008), Tháng An toàn thực phẩm của năm đã có chủ đề “Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng”. Mục đích là để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tác dụng của thực phẩm chức năng đối với sức khoẻ con người; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm của loại thực phẩm này; hạn chế sự hiểu sai, dùng sai và vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng. Từ ngày đó, ngành chức năng đã liệt kê những bất cập mà đến nay có thể nói vẫn chưa khắc phục được hết. Đó là với người tiêu dùng thì quá tin dùng, coi thực phẩm chức năng như một “thần dược” chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ nên đã quá lạm dụng. Thực tế, thực phẩm chức năng cũng như bất cứ sản phẩm nào khác đều phải dùng đúng chỉ định, theo khuyến cáo thì mới mang lại tác dụng cao nhất.

Sử dụng những sản phẩm được quảng cáo "lố" như thế này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và uy tín của những người sản xuất - kinh doanh TPCN chân chính (Ảnh minh họa)

Cùng với đó là việc một số nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh, hoặc chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm mà đã đưa các sản phẩm ra thị trường cho người tiêu dùng. Hoặc vì lợi nhuận và do nhận thức còn hạn chế mà nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiến hành quảng cáo quá tác dụng, quảng cáo sai lệch so với công bố về vai trò tác dụng của thực phẩm chức năng hoặc quảng cáo khi chưa được cơ quan y tế thẩm định nội dung...

 

 

Để chữa căn bệnh dai dẳng lâu nay gắn với ngành thực phẩm chức năng thiết nghĩ, bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả quản lý, minh bạch thông tin, xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai các vi phạm thì việc thực hiện 3 đúng “Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng” đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng là bài thuốc hiệu nghiệm. Một khi người tiêu dùng - thượng đế “Hiểu đúng” công dụng của sản phẩm, chú ý rằng thực phẩm chức năng “không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. “Dùng đúng” sản phẩm theo tư vấn chuyên môn, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nhà sản xuất “Làm đúng” với lương tâm, chất lượng sản phẩm bảo đảm đúng như công bố, quảng cáo sản phẩm đúng theo công dụng, không quảng cáo “nổ”... Khi ấy nhất định căn bệnh dai dẳng lâu nay sẽ được khắc phục!

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý