Hình ảnh trong nhà máy sản xuất TPCN theo nguyên tắc GMP-HS Âu Cơ
4 nhà máy TPCN được đánh giá, chứng nhận GMP-TPCN
Sản xuất TPCN đạt chuẩn GMP: Con người là cốt lõi
GMP-HS: Đảm bảo chất lượng cho sản phẩm TPCN
GMP-HS: Nguyên tắc hội nhập quốc tế!
Doanh nghiệp Việt kêu khó
Nguyên tắc Thực hành tốt sản xuất thực phẩm chức năng (GMP-HS) được Hiệp hội thực phẩm chức năng (VAFF) soạn thảo dựa trên bản Hướng dẫn GMP ASEAN và chính thức ban hành vào năm 2009. Theo PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch VAFF, GMP-HS là tiêu chuẩn để giúp các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất tốt nhất và cung cấp cho thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Việt Nam được đánh giá là thị trường TPCN tiềm năng, có tốc độ phát triển tương đối nhanh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. PGS.TS Trần Đáng nhận định rằng, thời gian 5 năm trở lại đây được coi là thời gian bùng nổ các sản phẩm TPCN tại nước ta. Cả nước hiện có hơn 3.500 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Thế nhưng, kể từ khi GMP-HS chính thức được công bố cho đến thời điểm này, Việt Nam mới có… 4 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận.
Chỉ 4/3.500 doanh nghiệp – một tỷ lệ nhỏ quá mức tưởng tượng!
Điều này có thể lý giải qua hai nguyên nhân:
Thứ nhất, cho đến nay, tuân thủ GMP vẫn chưa phải là nguyên tắc bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất TPCN ở nước ta vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chỉ có những doanh nghiệp có tinh thần thượng tôn chất lượng và đi theo hướng sản xuất TPCN chuyên biệt mới phấn đấu đạt GMP. Mãi đến tháng 11/2014, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT Quy định về quản lý TPCN thay cho Thông tư cũ (08/2004/TT-BYT) còn nhiều thiếu sót. Thông tư 43 cũng nêu rõ các doanh nghiệp TPCN tại Việt Nam phải thực hiện lộ trình tiến tới bắt buộc áp dụng GMP và HACCP (Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn), tuy nhiên, đến nay, lộ trình này… vẫn chưa được thống nhất!
Thứ 2, Bộ nguyên tắc GMP-HS đã làm “nản lòng” không ít doanh nghiệp. Khi tham khảo 10 nội dung của GMP-HS, họ cho rằng có nhiều tiêu chí mang tính chất “đánh đố”, thậm chí làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của họ. Chẳng hạn, khi áp dụng GMP-HS, các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát, đánh giá (định kỳ) mọi khâu của quá trình sản xuất, song song với việc cải thiện chất lượng nhà xưởng, môi trường trong nhà xưởng và đầu tư máy móc. Theo ThS.DS Bùi Thị Hòa – Phó Viện trưởng Viện TPCN (VIDS), đó chỉ là một trong những nội dung mà doanh nghiệp đang kêu… khó thực hiện. Đấy là chưa kể đến việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào và phụ liệu. Do đó, đạt được chứng nhận GMP-HS là điều quá khó khăn với các công ty còn hạn chế về nguồn lực và chuyên môn…
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan với lộ trình tiến tới bắt buộc thực hiện GMP-HS (Ảnh chụp tại nhà máy Âu Cơ)
Doanh nghiệp nước ngoài “lận đận”
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ban hành Hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất TPCN vào ngày 24/8/2007. Đến nay, sau 5 năm kể từ khi GMP trở thành nguyên tắc bắt buộc trong sản xuất TPCN, tại Mỹ, nó vẫn là thách thức lớn đối với không ít doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn.
Cuối năm 2014, FDA đã khiến không ít người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp giật mình về một con số liên quan đến GMP trong TPCN: Trong 1.500 cơ sở được FDA kiểm tra, có đến 483 cơ sở vi phạm cam kết thực hành tốt sản xuất TPCN theo Nguyên tắc GMP. Như vậy, tỷ lệ cơ sở vi phạm cho năm 2014 đã lên đến trên 32% so với con số dưới 29% của năm trước đó (số cơ sở bị thanh kiểm tra là 2.200).
Theo bà Marian Boardley - cố vấn của FDA, vi phạm điển hình nhất về GMP của các cơ sở sản xuất TPCN tại Mỹ là không có mô tả chi tiết kỹ thuật rõ ràng cho các công đoạn (nguyên liệu đưa vào sản xuất và bán thành phẩm), không có thử nghiệm để đáp ứng thông số kỹ thuật về độ tinh khiết, không xác minh/kiểm tra danh tính nguyên liệu thảo dược…
Kể từ tháng 10/2014, FDA đã liên tục gửi thư cảnh báo tới các cơ sở sản xuất TPCN về GMP. Tuy nhiên, việc sửa lỗi của nhiều doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức hoặc thậm chí là… không thực hiện.
Tương tự tại Mỹ, ngành sản xuất TPCN tại châu Á cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng Nguyên tắc GMP. Lisa Thomas - Tổng Giám đốc Chương trình về TPCN thuộc Tổ chức NSF International (National Sanitation Foundation), cho biết: “Các doanh nghiệp TPCN châu Á đang phải làm quen dần với việc liên kết với bên thứ 2 để sản xuất đạt chuẩn GMP, bởi ngày càng nhiều khách hàng hiểu được GMP sẽ giúp họ có được sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn trong tất cả các khâu sản xuất”.
GMP-HS: “Sân chơi” bình đẳng
Không phải ngẫu nhiên mà các nguyên tắc GMP-HS lại ngặt nghèo và phức tạp như vậy. Theo nhận định của PGS.TS Trần Đáng: “Lộ trình tiến tới bắt buộc GMP-HS sẽ tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ngành TPCN tại Việt Nam đang đứng trước “cuộc đấu” căng thẳng giống như các doanh nghiệp dược những năm trước, khi bắt buộc phải thực hiện lộ trình GMP-WHO. Nếu đạt GMP-HS, chúng ta có thể tham gia sân chơi toàn cầu”.
Nhưng trước khi tham gia “sân chơi” ấy, các doanh nghiệp cần khẳng định mình trong lòng người tiêu dùng trong nước bởi có đến hơn 80% sản phẩm TPCN đang được phân phối và tiêu thụ tại Việt Nam là “hàng ngoại”, theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng năm 2014. Tuân thủ Nguyên tắc GMP là điều kiện cần và đủ để TPCN thương hiệu Việt có chất lượng, mẫu mã và giá cả… đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Khi “hậu phương” đã vững chắc thì các doanh nghiệp có thể thoải mái thử sức ở thị trường nước ngoài.
Bên cạnh những doanh nghiệp “ngại khó” lại có những doanh nghiệp tỏ ra khá lạc quan về việc thực hiện lộ trình tiến tới bắt buộc áp dụng GMP-HS. Theo nhận định của PGS.TS Trần Đáng: “Dựa trên các nghiên cứu về sản xuất TPCN trong thời gian qua, tôi cho rằng, nếu cố gắng sẽ có trên 50% doanh nghiệp sản xuất TPCN có thể thực hiện được GMP-HS”.
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam
Bình luận của bạn