8 thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm có thể do quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách

Cảnh báo những thực phẩm gây dị ứng, ngộ độc

8 loại thực phẩm lành mạnh: ăn đủ thì tốt, ăn nhiều rước bệnh

Nôn sau khi nhậu nhẹt có phải do ngộ độc rượu?

8 sai lầm trong nấu ăn khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm

Có một số loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao hơn những loại khác, bao gồm:

Thịt gia cầm

Thịt gia cầm (gà, vịt) sống hay nấu chưa chín có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Điều này chủ yếu là do 2 loại vi khuẩn Campylobacter và Salmonella thường được tìm thấy trong ruột và lông của chúng. Trên thực tế, nghiên cứu từ Anh, Mỹ và Ireland cho thấy 41–84% thịt gà sống bán trong siêu thị bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter và 4-5% bị nhiễm Salmonella.

Điều may mắn là những vi khuẩn gây hại này có thể bị loại bỏ khi thịt được nấu chín hoàn toàn. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo không rửa hoặc để thịt sống tiếp xúc với bề mặt bếp, thớt và các loại thực phẩm khác trước khi nấu, vì điều này có thể dẫn đến nhiễm khuẩn chéo.

Rau củ và rau lá xanh

Rau củ và rau lá xanh (rau diếp, rau bina, bắp cải, cần tây, cà chua…) là nhóm thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm phổ biến tiếp theo, đặc biệt là khi ăn sống. Những loại thực phẩm này có thể mang vi khuẩn có hại, chẳng hạn như E.coli, Salmonella và Listeria từ các giai đoạn khác nhau bao gồm đất trồng và nước tưới bị ô nhiễm, chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Bạn chỉ nên mua xà lách đóng gói sẵn khi được bảo quản lạnh

Để giảm thiểu rủi ro, hãy luôn rửa kỹ rau trước khi ăn. Không mua các loại salad đã sơ chế sẵn bảo quản ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C), có chứa lá úa, nhũn.

Để giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, bạn cũng nên rửa tay bằng xà phòng và nước nóng trước khi chế biến thức ăn. Đồng thời rửa tay ngay sau khi chạm vào thịt sống.

Rau mầm

Rau mầm phát triển tốt trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp và giàu dinh dưỡng – đây cũng là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn Salmonella, E. coli và Listeria phát triển mạnh.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị tác động bởi vi khuẩn có hại và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó không nên tiêu thụ bất kể loại rau mầm sống nào. Mặt khác, việc nấu chín rau mầm sẽ giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại và giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Gạo

Gạo có nguy cơ cao nhiễm Bacillus cereus, vi khuẩn có độc tố gây ngộ độc thực phẩm. Bào tử của vi khuẩn này có thể sống trong gạo chưa được nấu chín hẳn. Tuy nhiên, ngay cả khi gạo đã nấu chín thành cơm nhưng được bảo quản ở nhiệt độ phòng, các bào tử này vẫn sẽ phát triển thành vi khuẩn và sinh sôi. Do đó, việc ăn cơm để lâu ở nhiệt độ phòng không hề an toàn.

Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên ăn cơm ngay khi vừa nấu chín, cất cơm thừa vào tủ lạnh càng nhanh càng tốt. Khi hâm nóng lại thì đảm bảo việc ăn khi cơm vẫn còn hơi nóng.

Ngộ độc thực phẩm có thể gây cảm giác đau quặn bụng kèm tiêu chảy, khiến bạn dễ bị mất nước

Thịt nguội

Thịt nguội bao gồm giăm bông, xúc xích, thịt xông khói có thể bị nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm bao gồm Listeria và Staphylococcus aureus ở một số giai đoạn trong quá trình chế biến và sản xuất. Để giảm thiểu rủi ro, bạn cần phải bảo quản thịt nguội trong tủ lạnh, một số loại cần nấu chín kỹ trước khi ăn.

Sữa chưa tiệt trùng

Quá trình thanh trùng sữa và các sản phẩm từ sữa nhằm tiêu diệt vi khuẩn và ký sinh trùng có hại như Brucella, Campylobacter, Cryptosporidium, E. coli, Listeria và Salmonella. Sữa chưa tiệt trùng có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao hơn ít nhất 150 lần và nguy cơ nhập viện cao hơn 13 lần so với các sản phẩm sữa tiệt trùng.

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được tiệt trùng, bảo quản sữa nhiệt độ 5 độ C hoặc thấp hơn và tuyệt đối không dùng sữa đã hết hạn sử dụng.

Trứng

Mặc dù trứng vô cùng bổ dưỡng, đa năng được sử dụng phổ biến, nhưng nó cũng có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm khi ăn sống hoặc nấu chưa chín. Điều này là do trứng mang vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn này có thể tổn tại ở cả vỏ và bên trong trứng. Để giảm nguy cơ, bạn nên ăn trứng nấu chín kỹ, không ăn trứng có vỏ bị nứt hoặc bẩn.

Cá và động vật có vỏ (hải sản)

Cá không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (cá ươn) xuất hiện hàm lượng lớn histamine, một loại độc tố sinh ra bởi vi khuẩn có ở trong cá. Histamine không bị phá hủy bởi nhiệt độ nấu nướng thông thường và chất độc sẽ xuất hiện sau khi chế biến. Nó gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm buồn nôn, thở khò khè, sưng mặt và lưỡi.

Bên cạnh đó, động vật có vỏ như ngao, trai, sò cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Lý do đến từ khả năng động vật có vỏ tiêu thụ tảo có độc và tích tụ lại trong phần thịt. 

Để giảm rủi ro, bạn nên thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ, không ăn hải sản chế biến từ lâu, đảm bảo thực phẩm đã được nấu chín và loại bỏ những con động vật có vỏ sau khi chế biến nhưng không mở miệng. Hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi bạn mua. 

Phạm Quỳnh H+ (Theo Healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phòng bệnh chủ động