Thuốc trị nhược cơ - Con dao 2 lưỡi

Bệnh gây ra sự yếu cơ tiến triển, nặng dần, thường nặng vào thời điểm cuối ngày, sau vận động và vào giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh cần được điều trị nếu không người bệnh không thể mở được mắt, không thể nhấc được tay và cuối cùng là không thể thở được do yếu cơ hô hấp.

Trong danh mục các thuốc điều trị, thuốc ức chế enzym phân huỷ acetylcholin là không thể thiếu. Các thuốc này tác động vào cơ chế gây bệnh làm triệt tiêu cơ chế này, trả lại sự bình thường cho dẫn truyền thần kinh cơ. Có ba loại thuốc hay được sử dụng là Pyridostigmin (được biết đến với biệt dược Mestinon), Neostigmin (biệt dược là Prostigmin) và Edrophonium (biệt dược là Enlon). Thuốc có tác dụng điều trị nhưng khi dùng phải chú ý tới những tác dụng gây hại mà thuốc gây ra.

1. Tăng tiết

Thuốc điều trị có tác dụng làm tăng nồng độ acetylcholin trong synap. Vì thế, vô hình trung thuốc gây ra phản ứng tăng tiết ở các tuyến tiết dịch nói chung và các cơ quan có các tuyến này. Các cơ quan có thể kể ra đây là tuyến nước bọt ở dưới lưỡi và mang tai, tuyến lệ ở mắt và tuyến dịch ở đường thở. Do vậy, trong khi dùng thuốc người bệnh có thể bị chảy nước bọt liên tục, chảy nước mắt nhiều hơn bình thường và có thể có ho+khó thở kiểu như có đờm.

Tác dụng không mong muốn này có thể khá nặng nề ở những đối tượng nhất định. Ví dụ ở người bị viêm phế quản, nó có thể làm tăng sự khó thở, làm tăng tiết đờm . Sẽ là không hợp lý nếu như trong trường hợp này chúng ta dùng thêm các thuốc long đờm vì càng làm cho tình hình xấu hơn.

Để hạn chế những tác hại này, khuyên bạn không nên dùng thuốc liều cao khi đang bị viêm đường hô hấp. Không nên dùng thêm thuốc "long đờm" khi thấy ho nhiều. Nếu như người bệnh là một người bị hen, đang điều trị hen hoặc đã từng bị hen thì cần phải thận trọng. Vì thuốc có thể làm tăng co thắt phế quản và cơn khó thở có thể xảy ra. Tốt nhất phải luôn có sẵn lọ xịt hen (ví dụ như ventolin) bên mình.

2. Rối loạn tim mạch

Các rối loạn tim mạch cũng là những tác dụng phụ cần chú ý khi sử dụng thuốc trị nhược cơ. Các biến chứng ở đây là tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và nặng thêm hiện tượng ngoại tâm thu. Cơ chế là do thuốc làm tăng nồng độ acetylcholin tiền hạch của hệ thần kinh giao cảm nên làm cường chức năng hệ này. Do vậy huyết áp tăng và nhịp tim nhanh. Trong quá trình sử dụng, chúng ta phải liên tục theo dõi huyết áp của người bệnh.

Biến cố trên tim mạch không chỉ đơn giản có thế mà nó còn phức tạp hơn nhiều. Ở liều điều trị, thuốc gây ra tác dụng phụ là tăng huyết áp. Nhưng ở những liều cao hoặc khi ngộ độc, thuốc gây ra nhịp chậm, tụt huyết áp và có thể ngừng tuần hoàn. Nguyên do là khi đó thuốc làm tăng nồng độ acetylcholin đột ngột ở hệ phó giao cảm.

Để tránh những tác hại trên, lời khuyên là không nên dùng liều cao ngay từ đầu mà nên dùng liều thấp và thăm dò cho đến khi đáp ứng. Nếu như bạn là người bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim thì tuyệt đối không được quên hoặc là dừng uống thuốc tim mạch. Vì nó có thể gây ra biến chứng. Đo huyết áp hàng ngày, 2 lần/ngày là điều cần thực hiện để kiểm soát huyết áp. Trong thời gian uống thuốc khuyên bạn không nên dùng chè, cà phê, rượu, bia…những thứ kích thích tim mạch càng làm cho tác dụng phụ dễ xảy ra.

3. Rối loạn vận động

Rối loạn vận động là tác dụng phụ không hay gặp của thuốc nhưng khi gặp lại rất hệ trọng. Đây là tác dụng phụ của thuốc trên hệ thần kinh trung ương, đặc biệt khi chúng ta dùng pyridostigmin.

Khi nồng độ acetylcholin tăng cao trong hệ thần kinh trung ương, nó có thể gây ra sự thiếu hụt dopamin "giả". Vì thuốc làm mất cân bằng tạm thời giữa hai chất trung gian dẫn truyền thần kinh này. Do vậy, người bệnh có thể có các triệu chứng của parkinson giả như run đầu tay, run khi vận động. Trong những trường hợp dùng quá liều hoặc liều quá cao, người bệnh có thể có co giật do acetylcholin.

Để tránh tác hại này, dùng liều thấp đến mức có thể là điều nên làm. Không hút thuốc, không uống cà phê, ca cao, chè để tránh những rối loạn trên hệ thần kinh trung ương. Nếu người bệnh đang điều trị bệnh động kinh thì cần phải xem xét nên điều trị bệnh nào trước. Nếu thực sự vấn đề nhược cơ chưa đến mức điều trị thì chúng ta phải hoàn thiện chế độ điều trị động kinh trước khi quyết định điều trị nhược cơ. Khi bắt buộc phải tiến hành đồng thời hai liệu pháp, có thể chúng ta phải xem xét tăng liều thuốc điều trị động kinh để đảm bảo cơn co giật không xảy ra. Tránh những kích thích với thần kinh, tránh xúc động mạnh, tránh những nơi có tiếng ồn, nơi tụ tập, nơi có ánh sáng quá chói sẽ giúp cho những tác dụng phụ trên hệ thần kinh khó xảy ra hơn.

4. Chú ý với thai kỳ

Chúng ta không nên dùng thuốc với thai kỳ. Hiện nay người ta chưa rõ là thuốc chống nhược cơ có gây ra quái thai hay là không vì chưa đủ cơ sở để kết luận. Nhưng một điều không có lợi là thuốc điều trị nhược cơ có thể gây ra kích thích cơn co bóp tử cung do làm cường acetylcholin. Tử cung bị kích thích co bóp nên bà mẹ có thể có biến chứng xảy thai và đẻ non.

Cho nên, trước khi mang thai, bà mẹ cần biết rõ bệnh nhược cơ của mình. Nếu là người có tiền sử bị nhược cơ hoặc đang bị nhược cơ thì nên điều trị dứt điểm trước 1 tháng rồi hãy mang thai.

Trong trường hợp bà mẹ bị nhược cơ đột ngột khi mang thai, cần hết sức giữ gìn. Không lao động nặng, không vận động nhiều. Vì như vậy, sẽ làm cho tử cung bớt kích thích. Điều này sẽ tránh được nguy cơ xảy thai trong 3 tháng đầu và nguy cơ đẻ non trong 3 tháng cuối. Không những thế việc giảm vận động còn giúp hạn chế tiến triển của nhược cơ và giúp bà mẹ giảm thấp tối đa liều thuốc sử dụng. Nếu bà mẹ mang thai lần đầu hoặc mang thai sau mổ đẻ thì việc giữ gìn càng phải cẩn thận. Vì đây là những đối tượng dễ bị tác động bởi thuốc.

Nếu như bạn thấy đau bụng, thấy có hiện tượng "động thai" thì phải nằm nghỉ ngay lập tức. Cần phải đi khám hoặc đặt thuốc chống co bóp tử cung khi có nguy cơ xảy ra.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất