Tiêu chảy do rotavirus "vào mùa"

Rotavirus là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do các bệnh tiêu chảy

Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Xuất hiện ổ tiêu chảy cấp, 1 người tử vong

Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp?

Trẻ nhập viện: Do uống thuốc tiêu chảy quá liều

Tiêu chảy do rotavirus vào mùa

Thời tiết Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiêu chảy do rotavirus bùng phát. Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ nhập viện điều trị tiêu chảy do rotavirus ngày càng tăng. Theo bác sỹ Nguyễn Văn Ngoan - Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 20 - 25 ca nhập viện do tiêu chảy, trong đó có đến hơn một nửa là do rotavirus. Tiêu chảy do rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Bệnh này lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và rotavirus phát tán nhanh qua phân của trẻ nhiễm bệnh.

Tiêu chảy do nhiễm rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Trẻ nhiễm rotavirus có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tiêu chảy do nhiễm rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác

Tuyệt đối không dùng kháng sinh cho trẻ

Vì sốt ruột khi thấy con tiêu chảy nhiều, không ít phụ huynh đã cho con dùng kháng sinh hay thuốc cầm tiêu chảy. Tuy nhiên, việc làm của cha mẹ là đang gián tiếp hại con.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khi bị nhiễm rotavirus, tuyệt đối không được cho trẻ uống kháng sinh. Việc uống kháng sinh không chỉ "vô tác dụng" mà còn làm trẻ có nguy cơ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa, khiến bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được cho con uống thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có tác dụng tiêu diệu virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Khi đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí dẫn đến tử vong.

Chủ động phòng bệnh

Nhiều cha mẹ chủ quan chỉ nghĩ đến việc chữa bệnh mà chưa quan tâm tới phòng bệnh cho trẻ. Rotavirus lây nhiễm qua đường tiêu hóa và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại virus này có thể tồn tại từ vài giờ đến vài ngày trong môi trường bình thường. Nếu trẻ cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc các vật dụng mang virus thì khả năng nhiễm tiêu chảy rất cao.

Biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất cho trẻ hiện nay là dùng vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng rotavirus có thể cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2 lần cách nhau ít nhất là 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi. Một số trẻ uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus rồi vẫn có thể mắc bệnh, tuy nhiên những trẻ đã được uống vaccine ít có các triệu chứng nặng.

Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bênh cho trẻ. Nên tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo đủ sinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con, cha mẹ cũng có thể sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng để nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể trẻ có đủ sức chống đỡ bệnh tật.

Từ tháng 6/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khuyến cáo các nước đưa vaccine rotavirus vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em toàn cầu. Việt Nam đang cân nhắc việc đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Huyền Thương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ