Cập nhật thông tin y tế sáng ngày 20/4 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch/Báo Thanh Niên
Tình hình vaccine COVID-19 sau hai năm đại dịch
Hai sát thủ đồng hành: Chiến tranh và dịch bệnh
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ trong đại dịch
Hậu COVID-19, người bị lupus ban đỏ cần lưu ý gì?
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đợt 1 tại TP.HCM được triển khai từ ngày 16-30/4. Ước tính trên địa bàn thành phố hiện có 898.537 trẻ trong độ tuổi cần tiêm trong đợt này. Tính đến hết ngày 18/4/2022, thành phố đã tiêm được 35.331 trẻ. Tổng số trẻ hoãn tiêm là 2.160 trẻ, có 246 trường hợp chuyển tiêm tại bệnh viện. Theo Sở Y tế TP.HCM, số trẻ hoãn tiêm phần lớn do trẻ đã mắc COVID-19 mà chưa đủ thời gian 3 tháng tính từ khi mắc bệnh, bên cạnh đó là các trẻ có tiền sử dị ứng, đang mắc bệnh lý cấp tính.
Liên quan đến vấn đề thi tốt nghiệp THPT 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đối với thí sinh là F0 sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy chế thi. Nếu các em cần thi lấy điểm xét tuyển đại học - cao đẳng có thể phối hợp với địa phương tổ chức ghép thi cùng một đợt, trừ trường hợp các địa phương dịch bệnh diễn biến rất phức tạp không thể tổ chức thi cùng được. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2022 vào 2 ngày 7-8/7.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công trường hợp bị sốc phản vệ độ III do sử dụng mỹ phẩm lột da làm trắng không rõ nguồn gốc, thành phần. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tăng cao 190/190mmHg sau đó có xu hướng tụt dần. Đồng thời có những cơn đau ngực trái, vã mồ hôi, da vùng bàn chân lột nhẹ, cổ chân nổi vân tím. Sau một ngày được tích cực điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Qua trường hợp trên các bác sỹ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong việc lựa chọn hóa mỹ phẩm, đặc biệt các sản phẩm làm đẹp. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm chưa được kiểm định, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu nhận thấy triệu chứng bất thường sau sử dụng thuốc, mỹ phẩm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Theo thông tin từ Tuổi trẻ Online, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu thành công một bệnh nhân bị đột quỵ não cấp và nhồi máu cơ tim cấp cùng lúc rất nguy kịch. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hạ huyết áp, liệt nửa người bên phải, đồng thời bị đau ngực, vật vã, đổ mồ hôi, tay chân lạnh... Theo bác sỹ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc bệnh viện đồng thời là Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, việc một bệnh nhân có đồng thời nhồi máu cơ tim và nhồi máu não là rất hiếm, ước tính chỉ gặp trong 0,009% dân số. Theo bác sỹ Phong, khi nhận thấy người thân có những biểu hiện như: Đau tức ngực, khó thở… (biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp) hoặc méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất tri giác… (biểu hiện của đột quỵ não), cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Ngày 19/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 9 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc lá ngón. Được biết, nhóm 9 người cùng quê ở Nghệ An, đang làm việc cho một công ty tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Thấy cạnh nơi làm việc có nhiều loại rau rừng mọc, do nhầm lẫn với một loại cây ăn được nên một người thợ trong nhóm đã hái lá ngón về xào ăn trong bữa trưa. Sau ăn khoảng 30 phút, cả 9 người đều xuất hiện dấu hiệu đau đầu, chóng mặt nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu. Tại bệnh viện, các bệnh nhân đã được gây nôn chủ động, rửa dạ dày cấp cứu, uống than hoạt tính và truyền dịch. Hiện tại, sức khoẻ 9 bệnh nhân tạm ổn định, một số bệnh nhân còn chóng mặt và tê bì tay chân.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC) ngày 19/4 cho biết các trường hợp viêm gan chưa rõ nguồn gốc, lần đầu tiên được phát hiện ở trẻ em tại Anh, hiện đã được ghi nhận thêm ở 4 nước Châu Âu và Mỹ. Trước đó, ngày 15/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cơ quan này đang theo dõi 84 ca viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ được ghi nhận tại Anh kể từ ngày 5/4. Trong phần lớn trường hợp, trẻ em bị viêm gan không bị sốt. Tuy nhiên, ECDC và WHO cho biết một số trường hợp ở Anh nghiêm trọng đến nỗi phải chuyển bệnh nhi sang các khoa chuyên về gan của trẻ em để điều trị. Ngoài ra, 6 ca trong số các bệnh nhi đã từng trải qua phẫu thuật cấy ghép gan./
Bình luận của bạn