Chào 2024 với niềm tin và hy vọng

Thế giới chào đón năm 2024 với niềm tin và hy vọng

Podcast: Da nứt nẻ, ngứa ngáy vào mùa lạnh phải làm sao?

Thực hiện chế độ ăn low-carb thế nào để giảm cân bền vững?

Chất lượng không khí lại xấu đi do hiện tượng nghịch nhiệt

7 thói quen nhỏ giúp duy trì sức khỏe trong năm mới

Chúng ta tiễn biệt năm 2023, một năm mà như Tổng Thư ký Guterres nói trong Thông điệp năm mới 2024 của Người đứng đầu Liên Hợp Quốc là “Thế giới đã trải qua năm 2023 đau thương, bạo lực và bất ổn”.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc trong thông điệp năm mới đã nhắc tới năm 2023 như là năm mà bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em; các cuộc chiến tranh đang gia tăng về số lượng và sự khốc liệt; hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với nạn đói và bệnh tật; trong khi hành tinh của chúng ta đang lâm nguy hiểm, nhiệt độ Trái Đất tăng kỷ lục và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa phát đi thông điệp năm mới 2024

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa phát đi thông điệp năm mới 2024

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh rằng: "Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau. 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng”!

Trên bình diện quốc tế là như vậy. Còn với trong nước, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 (ngày 2/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo, đã ảnh hưởng tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong khi ở trong nước, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta, và những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại, kéo dài từ lâu của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Song rất mừng là cho đến những ngày cuối cùng của năm 2023, kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu; đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua.

Trên trường quốc tế, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Trong năm 2023, nguyên thủ của hai siêu cường đứng đầu thế giới đã tới thăm chinh thức và cùng với Việt Nam quyết định nâng mối quan hệ hợp tác lên tầm cao mới. Những thành tựu đối ngoại mang tính lịch sử đó đã tạo thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển của đất nước.

Với ngành Thực phẩm chức năng, năm 2023 là năm có những tin vui. Vào ngày cuối cùng của tháng đầu năm (30/1), Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Trong đó, lần đầu tiên, cơ quan ra chính sách ở tầm cao nhất đã có những chỉ đạo định hướng chiến lược cho sự phát triển của ngành Thực phẩm chức năng. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Về cuối năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

 

 Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đó là:

- Coi phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương…

- Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội và các mô hình thí điểm áp dụng các cơ chế, chính sách mới/vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

- Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

- Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học: Xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao; Đề án hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi và Đề án ươm tạo doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dụng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học…

- Hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học: Xây dựng Đề án hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học gồm chính sách mua, bán, chuyển giao, trao đổi công nghệ; mô hình phát triển kinh tế sinh học.

Hướng đến mục tiêu chiến lược là phát triển ngành Thực phẩm chức năng, tranh thủ tận dụng những thời cơ, cơ hội mà Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đem đến, đưa ngành Thực phẩm chức năng trở thành ngành kinh tế - y tế đóng góp lớn vào GDP của đất nước, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam xác định phương hướng hoạt động năm 2024 là hỗ trợ, hết sức tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành viên tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, an toàn và hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện ngành Thực phẩm chức năng, trong đó nhiều doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, đang phát huy lợi thế nguồn dược liệu phong phú đa dạng trong nước, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, tiên tiến sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng phục vụ viêc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Tạp chí Sức khỏe+, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội là đơn vị chủ chốt thực hiện nhiệm vụ truyền thông về 3 Đúng (Hiểu đúng - Làm đúng - Dùng đúng), giúp cho xã hội hiểu đúng về tác dụng, công hiệu của Thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm làm theo đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm xã hội, cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Người dân có nhu cầu được sử dụng đúng sản phẩm có chất lượng, an toàn và hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thực hiện tốt 3 Đúng chính là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thực phẩm chức năng!

Chúng ta chào đón năm mới 2024 trong niềm tin và hy vọng vào những nỗ lực của cả xã hội cũng như từng cá nhân sẽ đem lại sự thành công trong năm mới hơn hẳn năm đã qua, đúng như tinh thần chỉ đạo và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm sau phải thành công hơn năm trước!

Chúc mừng năm mới!

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý