Nhân viên y tế đang tiêm vaccine cho công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM sáng 19/6 - Ảnh: MOH.
Ghi nhận gần 100 ca COVID-19 mới, TP.HCM bắt đầu chiến dịch tiêm 800.000 liều vaccine
Số ca COVID-19 ở TP.HCM tăng mạnh, Lào Cai có ca nhiễm đầu tiên
Phó Thủ tướng: TP.HCM cần làm chặt hơn nữa, sớm gỡ tình trạng phong tỏa
TP.HCM ghi nhận tới 60 ca COVID-19 mới, 5 trường hợp chưa rõ nguồn lây
Theo đó, chiến dịch tiêm 836.000 liều vaccine đã được bắt đầu với hơn 500 công nhân tại Khu công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức). Tham dự lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện các Bộ, ban, ngành của Trung ương và thành phố.
Theo Vietnamnet, tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, từ ngày 27/4 đến nay TP.HCM bước vào "trận chiến" thứ 4 với COVID-19, ghi nhận hơn 1.000 ca. Đây là "trận chiến" với diễn biến phức tạp, khó lường nhất do biến chủng virus mới, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống người dân, xáo trộn các hoạt động kinh tế, xã hội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 ở TP.HCM - Ảnh: MOH
Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP.HCM triển khai 836.000 liều vaccine của AstraZeneca. Đây là một phần trong số gần 1 triệu liều vaccine COVID-19 do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được phân bổ phần lớn cho TP.HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh số ca COVID-19 cộng đồng ở thành phố tăng nhanh liên tục từ ngày 18/5.
Phó thủ tướng nói rằng: "Số vaccine phân bổ đợt này chỉ đáp ứng một phần trong số 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm tại TP.HCM, nên chỉ ưu tiên được công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất và lực lượng công an, quân đội", theo VnExpress.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, trong giai đoạn này, công nhân đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ trong việc được ưu tiên tiêm vaccine, đặc biệt là lực lượng làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho sự vận hành các chuỗi sản xuất được thông suốt.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố với tốc độ triển khai chỉ trong 7 ngày. Sau chiến dịch này, thành phố sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo. Theo đó, thành phố sẽ tổ chức 650 điểm tiêm trong cộng đồng mỗi ngày tại các trung tâm y tế, trạm y tế, điểm tiêm lưu động. Dự kiến tổ chức tiêm 200.000 liều một ngày, hoàn thành trước ngày 27/6.
"Mặc dù triển khai thần tốc, quyết liệt nhưng mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống COVID-19. Thành phố sẽ thực hiện theo phương châm tiêm tới đâu an toàn tới đó", đại diện Sở Y tế Thành phố nhấn mạnh.
Cụ thể, các điểm tiêm chủng sẽ khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Những trường hợp chống chỉ định, cần thận trọng sẽ được khám chuyên khoa tại bệnh viện. Ngoài ra, ngành y sẽ giám sát chặt chẽ, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm qua thời gian theo dõi.
Công nhân ngồi nghỉ giãn cách theo quy định tại Khu vực theo dõi sau tiêm chủng - Ảnh: MOH
Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay, Sở Y tế Thành phố đã gửi công văn hỏa tốc tới các cơ sở tiêm chủng yêu cầu cử hơn 1.000 đội tiêm tham gia tập huấn. Mỗi đội tiêm sẽ gồm 5 người, có nhiệm vụ khác nhau. Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức cũng huy động 5 đội tiêm chủng (mỗi đội 5 người) và dự kiến tiêm trong vòng một buổi là hoàn tất 500 mũi tiêm đầu tiên của chiến dịch.
Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP.HCM, khoảng 786.000 liều sẽ được tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Ngoài ra, khoảng 50.000 liều được tiêm cho lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn.
Tính từ ngày 3/6 đến nay, TP.HCM đã tiêm cho 18.200 người, trong đó 13.450 người được tiêm mũi 1; 4.750 người được tiêm mũi 2. Tổng số ca nhiễm cộng đồng tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến sáng 19/6 đã lên tới 1.386 ca, xếp thứ 3 cả nước trong đợt dịch này.
Bình luận của bạn