Người tiêu dùng nên chọn mua cá tươi để tránh bị ngộ độc thực phẩm.
Điều tra, xử lý vụ 55 học sinh nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu
Mỹ cảnh báo ngộ độc thực phẩm do thịt nguội nhiễm khuẩn Listeria
Đề phòng nguy cơ say nắng và ngộ độc thực phẩm khi thời tiết nóng bức
Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) vừa có văn bản gửi Bộ Y tế thông báo kết thúc vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (Cụm công nghiệp Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ngày 28/8 khiến 154 người nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, khó thở…
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, thức ăn lưu và ý kiến của cơ sở khám, điều trị, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ xác định đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do ăn phải lượng Histamine cao có trong cá thu ù kho của bữa ăn trưa (có 825 người cùng ăn trưa).
Đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Thủy (phường Vân Phú, TP Việt Trì, Phú Thọ). Đoàn kiểm tra đã phối hợp, cung cấp các tài liệu liên quan theo yêu cầu của Công an huyện Thanh Thủy để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức/cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước thực trạng trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phú Thọ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đơn vị thuộc quyền quản lý có hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể doanh nghiệp, trường học; Ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không bảo quản đúng quy định, thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Cơ quan này cũng đề nghị UBND huyện Thanh Thủy và UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung tại Công văn số 2178/UBND-KGVX ngày 3/6/2024 của UBND tỉnh về chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, xử trí ngộ độc thực phẩm. Trong đó chú trọng hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát ATTP tại bếp ăn tập thể doanh nghiệp, trường học trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Về tình hình theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, các bệnh nhân đều đã ổn định sức khỏe. Đến ngày 30/8, bệnh nhân cuối cùng đã được xuất viện, trở về nhà.
Liên tiếp xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do Histamine, phòng ngừa thế nào?
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Đặc biệt phải kể đến 2 vụ ngộ độc thực phẩm do histamine có trong cá tại Nghệ An và Hải Phòng. Cụ thể:
Trước đó, khoảng hơn 100 công nhân của Công ty CP đóng tàu Sông Cấm ở Hải Phòng ăn trưa tập thể đều có biểu hiện bất thường như đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa ngoài da… Trong đó, 70 người có biểu hiện nặng được chuyển vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Việt Tiệp để điều trị.
Theo Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết, quá trình xét nghiệm các mẫu thức ăn, cơ quan chuyên môn phát hiện món cá kho, với nguyên liệu là cá thu ngừ đông lạnh, có hàm lượng histamine cao gấp 40 lần giới hạn cho phép tối đa khiến hơn 100 công nhân ngộ độc.
Vụ việc xảy ra tương tự ở Nghệ An khi 71 công nhân ở huyện Yên Thành xuất hiện các triệu chứng đau đầu, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa gồm cơm, cá bạc má rán, trứng gà luộc, mướp xào giá, canh bí đỏ nấu thịt và xoài. Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá chứa histamine với hàm lượng 739mg/kg.
Trước thực trạng đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 1631/ATTP-NĐTT đề nghị các cơ quan chức năng tại các tỉnh thành phố thực hiện các công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do histamine trong cá.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Histamine là một chất hóa học có đặc tính bền, không bị phá hủy (không bị giảm đi) qua quá trình đông lạnh, nấu chín, hun khói, tiệt trùng hoặc đóng hộp. So với các loại thịt gia súc, gia cầm, thịt cá có độ bền cơ học kém hơn, dễ bị nhiễm vi sinh vật.
Ngộ độc histamine là do ăn phải các loại cá bị ươn có cơ thịt màu đỏ như cá ngừ, cá cờ, cá nục, cá trích, cá thu, cá hồi, cá cơm... Nguyên nhân ngộ độc là do sự chuyển hóa từ histidine thành histamine trong thức ăn chín (quá trình hình thành histamine diễn ra nhanh ở nhiệt độ 20 - 30 độ C). Ngộ độc histamine xảy ra khi ăn phải một lượng histamine cao vượt mức cơ thể chấp nhận được. Ở người có cơ địa dị ứng, khi ăn phải một lượng nhỏ histamine đã có thể bị dị ứng.
Triệu chứng ngộ độc histamine thường xuất hiện sau 20 - 30 phút (có thể từ một đến vài giờ) sau khi ăn phải cá chứa histamine với các biểu hiện như: đỏ bừng mặt và mắt, nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban ngoài da, chóng mặt, nhức đầu, nóng ran trong miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện co thắt phế quản (khó thở), suy hô hấp và hạ huyết áp, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng ngừa ngộ độc histamine trong cá biển, người dân cần biết cách lựa chọn, sơ chế, chế biến thức ăn từ cá biển hợp vệ sinh an toàn thực phẩm: cá được bảo quản trong nhiệt độ lạnh, cá còn tươi, thịt cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, bụng cá còn kín, vây cá dính chặt vào thân, mùi tanh nhẹ và giữ màu xám đặc trưng của cá. Cần chọn mua cá đông lạnh ở cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Chế biến cá ngay sau khi mua về hoặc giã đông. Khi chế biến cá cần phải rửa sạch và nấu chín kỹ. Tuyệt đối không ăn cá biển ươn có biểu hiện mắt đục, bề mặt cá nhớt, mang thâm, thịt nhão, màu thịt nhợt nhạt…
Bình luận của bạn