Đi chơi xa về là “nhừ tử”, vì sao?

Người có lối sống ít vận động sẽ dễ gặp những cơn đau bởi cơ thể chưa kịp thích nghi với đường dài, đèo núi

Chặn đứng đau mỏi và lục khục đầu gối bằng cách nào?

Đau, mỏi cổ - nguyên nhân và cách ngăn ngừa các cơn đau

Tập gì để giảm đau mỏi khi ngồi máy tính?

Đau mỏi vùng thắt lưng có dùng được thực phẩm chức năng Cốt Thoái Vương?

Dịp cuối năm, đầu năm là thời điểm nhiều người lên đường đi chơi xa. Theo xu hướng hiện nay, những kỳ nghỉ để khám phá, chinh phục được khá nhiều người lựa chọn. Đó có thể là một cuộc leo núi, tham quan chùa chiền ở nơi hoang vắng, tĩnh mịch hay những thắng cảnh xa xôi… Khi trở về sau chuyến đi, không ít người mệt nhoài với đôi chân nhấc không nổi, thậm chí phải cầu cứu bác sĩ (BS) vì những cơn đau quá nặng và kéo dài.

Mệt ít hay nhiều tùy lối sống

Còn lại mấy ngày phép năm 2016, chị Nguyễn Mai U. (30 tuổi; nhân viên văn phòng; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) tranh thủ tổ chức một chuyến đi chơi cho cả gia đình, gồm vợ chồng chị, mẹ ruột và mẹ chồng. Điểm đến của họ là Tây Ninh, tất nhiên không thiếu khoản lên núi Bà Đen viếng chùa vì 2 người mẹ vốn theo đạo Phật.

Sau 2 ngày gọi là để thư giãn, chị U. đi làm lại với 2 bắp chân và đầu gối đau ê ẩm, mỗi lần xuống cầu thang phải bám chặt vào tay vịn vì cứ có cảm giác chân mất hết lực, chỉ muốn ngã nhào. Chồng chị cũng không khá hơn, chỉ việc đơn giản là dắt xe xuống mấy bậc tam cấp trước nhà cũng khiến anh loạng choạng. Điều lạ lùng là 2 người mẹ - 59 và 57 tuổi - lại không hề hấn gì cả!

Chị U. đem câu chuyện đến than thở với một BS quen của gia đình. Vị BS đưa cho chị chai thuốc xoa bóp rồi cười nói: “Có gì lạ đâu, sáng nào tôi cũng thấy 2 bác đi qua công viên gần nhà tôi tập thể dục, riêng mẹ ruột chị đến chiều còn đạp xe đi đây đó nên mấy trăm bậc thang kia có là gì! Vấn đề là anh chị hay đi xe máy, lại ngồi văn phòng mãi, chân ít làm việc nên khi leo núi bị đau là điều dễ hiểu”.

TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết đối với các chuyến du lịch cần đến sự vận động nhiều hơn bình thường, một số người có thể gặp tình trạng căng cơ do vận động quá mức dẫn đến những cơn đau mỏi có thể kéo dài vài ngày sau chuyến đi. Tuy nhiên, có người đau nhiều, có người đau ít hoặc không đau, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết - khí hậu, sức khỏe tổng thể, có sử dụng dụng cụ và giày dép phù hợp khi di chuyển không và thói quen vận động của họ. Người có lối sống ít vận động sẽ dễ gặp những cơn đau hơn bởi cơ thể chưa kịp thích nghi với đường dài, đèo núi…

Tập đi bộ, đạp xe trước chuyến leo núi sẽ giúp cơ thể thích ứng dần, tăng cường sức mạnh cho đôi chân và phòng ngừa những cơn đau mỏi cơ, khớp
Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần “khởi động” trước

Theo BS Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh, để phòng ngừa những cơn đau cơ, khớp hay cảm giác “nhừ người” sau chuyến du lịch hoàn toàn không khó. Trước chuyến đi dự định, bạn có thể tập luyện để tăng sức bền từ từ, nhất là nếu chuyến đi sắp tới đòi hỏi vận động nhiều, phải đi đường xa, địa hình khó khăn... Ví dụ, trước một chuyến leo núi, bạn có thể tập đi bộ, chạy bộ để đôi chân quen dần, các cơ bắp khỏe hơn. Trước một chuyến đi biển, sông nước hứa hẹn các hoạt động bơi lặn nhiều và trò chơi vận động cần dùng sức… thì bạn nên “khởi động” các cơ bắp liên quan.

BS Định nhấn mạnh rằng trong trường hợp bạn có sức khỏe không tốt, ít vận động, lớn tuổi hay đang mắc những bệnh lý có thể diễn biến xấu, nếu đi đường xa, vận động nhiều thì nên nghĩ đến các phương án thay thế, như đi cáp treo thay cho leo núi. Tốt nhất là đừng chọn hành trình quá khó khăn. Người lớn tuổi dù còn khỏe cũng nên cẩn trọng vì qua 50 tuổi, hệ cơ - xương - khớp yếu đi thấy rõ, đừng nghĩ rằng sẽ dễ dàng thực hiện lại một cuộc hành trình mà mình từng trải qua thời trẻ.

Nhìn vấn đề từ một góc khác, TS-BS Nguyễn Tiến Lý cho rằng hiện tượng không thích nghi kịp của cơ thể khi tham gia những chuyến du lịch đòi hỏi sức lực giống như trường hợp người ít vận động hoặc đã lâu không vận động nay tập thể thao lại với cường độ mạnh. Những cơn đau ấy thường là những “chấn thương vi thể” trên hệ cơ - xương - khớp, có thể hồi phục sau khoảng vài ngày đến 1 tuần nếu có chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc vùng tổn thương hợp lý. Nếu sau thời gian này cơn đau vẫn còn, thậm chí gây khó chịu hơn, ảnh hưởng nhiều đến vận động thì người bệnh nên đến gặp BS chuyên khoa.

3 điều lưu ý người lớn tuổi

Theo BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), người lớn tuổi nếu đi chơi xa, nhất thiết phải thuộc nằm lòng 3 điều:

Thứ nhất, đem theo các thuốc điều trị bệnh lý mạn tính mà mình đang phải sử dụng thường xuyên.

Thứ hai, đừng bao giờ quên sức bền, sự dẻo dai của mình đã giảm sút, mệt thì phải nghỉ, không được gắng gượng và nên cân nhắc trước các chuyến đi có leo núi, leo cầu thang vốn đòi hỏi nhiều sức lực. Sự cố sức khỏe mà người lớn tuổi có thể gặp không chỉ là các cơn đau cơ, khớp mà còn có thể là vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, đường huyết…

Thứ ba, hãy cung cấp cho người khác trong đoàn hay hướng dẫn viên số điện thoại của con cháu để liên lạc khi cần thiết.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp