Béo phì xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Lời khuyên từ chuyên gia để bảo vệ cơ sàn chậu
Nhiều điều có thể thay đổi theo hướng tốt hơn khi ta già đi
Cảnh giác dư lượng thuốc trừ sâu trong trái cây họ cam quýt
Bổ sung gì khi tập để giảm acid lactic gây mỏi cơ?
Trong nhiều năm qua, người bị béo phì thường được khuyên ăn ít và vận động nhiều hơn - tức là giảm lượng calo nạp vào và tăng cường vận động để giảm cân. Đây là nguyên tắc cơ bản trong kiểm soát cân nặng, nhưng thực tế cho thấy lời khuyên này là chưa đủ, không phải ai cũng giảm cân thành công chỉ bằng cách ăn ít đi và tập thể dục nhiều hơn.
Tại Anh, khoảng 26,5% người trưởng thành và 22,1% trẻ từ 10 đến 11 tuổi bị béo phì hoặc thừa cân. Một báo cáo mới đây cho thấy tình trạng này khiến nước Anh tiêu tốn tới 126 tỷ bảng (khoảng 3.780.000 tỷ đồng) mỗi năm. Trong đó, 71,4 tỷ bảng (khoảng 2.142.000 tỷ đồng) là chi phí do giảm chất lượng sống và tử vong sớm, 12,6 tỷ bảng (khoảng 378.000 tỷ đồng) cho điều trị y tế tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), 12,1 tỷ bảng (khoảng 363.000 tỷ đồng) từ thất nghiệp, và 10,5 tỷ bảng (khoảng 315.000 tỷ đồng) chi phí chăm sóc không chính thức.
Nếu không thay đổi đáng kể về chính sách, các chi phí trên dự báo sẽ tăng lên 150 tỷ bảng (khoảng 4.500.000 triệu tỷ đồng) mỗi năm vào năm 2035.
Các chuyên gia sức khỏe và hoạt động thực phẩm tại Anh đang kêu gọi chính phủ hành động khẩn cấp, bao gồm mở rộng thuế đường sang nhiều sản phẩm hơn, hạn chế quảng cáo thực phẩm không lành mạnh, và yêu cầu các công ty cải tiến thành phần thực phẩm siêu chế biến. Ông Henry Dimbleby, tác giả báo cáo độc lập do Chính phủ Anh ủy quyền mang tên "Chiến lược Thực phẩm Quốc gia" (National Food Strategy), cảnh báo: “Chúng ta đang xây dựng một hệ thống thực phẩm đầu độc người dân và đẩy quốc gia vào tình trạng kiệt quệ”.
Béo phì là vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều yếu tố

Thay đổi cách nhìn nhận về tình trạng béo phì
Thực tế cho thấy, béo phì không đơn giản chỉ là do ý chí hay thói quen cá nhân. Các nghiên cứu đã khẳng định béo phì liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp như di truyền, trải nghiệm thời thơ ấu, văn hóa, điều kiện kinh tế, sức khỏe tâm lý, bệnh lý tâm thần, thậm chí đặc thù nghề nghiệp. Đây đều là những điều không dễ dàng thay đổi chỉ bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hay tập thể dục đơn giản.
Năm 2007, báo cáo Foresight của chính phủ Anh đã chỉ rõ các yếu tố phức tạp phía sau sự gia tăng tỷ lệ béo phì, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của môi trường sống hiện đại đối với vấn đề này. Khái niệm "môi trường thúc đẩy béo phì" (obesogenic environment) mô tả thực trạng cuộc sống hiện nay, nơi thực phẩm nhiều calo, ít dinh dưỡng phổ biến, giá rẻ, trong khi hoạt động thể chất ngày càng bị hạn chế bởi cuộc sống đô thị hóa và thói quen sử dụng thiết bị điện tử.
Những yếu tố này tác động mạnh mẽ nhất lên người dân ở các khu vực khó khăn. Tại đây, người dân thiếu điều kiện tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng giá rẻ, không có nhiều phương tiện giao thông công cộng thuận lợi và không gian xanh để vận động. Trong hoàn cảnh như vậy, tăng cân là phản ứng tự nhiên và dễ hiểu của cơ thể.
Cần một hệ thống chăm sóc toàn diện

Phác đồ điều trị bệnh béo phì cần được "cá nhân hóa"
Các chiến lược giảm béo phì tại Anh hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào trách nhiệm cá nhân. Hầu hết chương trình chỉ tập trung thay đổi hành vi, giảm calo và tăng vận động. Điều này vô tình làm gia tăng định kiến rằng những người bị béo phì là do lười biếng hay thiếu quyết tâm.
Định kiến này gây nên sự kỳ thị cân nặng, làm tổn thương tâm lý của người béo phì. Bởi thực tế, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ béo phì cao nhất tập trung tại các khu vực khó khăn, nơi người dân có ít lựa chọn hơn để sống lành mạnh.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề béo phì, các chuyên gia đề xuất một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, dựa trên cơ sở khoa học và không gây kỳ thị. Một số biện pháp cần được thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, người béo phì cần được chăm sóc, điều trị lâu dài và theo dõi liên tục như với bệnh đái tháo đường hay trầm cảm, thay vì kỳ vọng vào những biện pháp giảm cân cấp tốc chỉ qua vài tuần ăn kiêng.
Thứ hai, cần chấm dứt tình trạng kỳ thị dựa trên cân nặng. Nhiều người béo phì từng bị phân biệt trong trường học, nơi làm việc và thậm chí trong bệnh viện. Nhân viên y tế cần được đào tạo để sử dụng ngôn từ tôn trọng, không chỉ trích hay miệt thị.
Thứ ba, phác đồ điều trị cần được cá nhân hóa, bởi mỗi người bệnh đều có hoàn cảnh sống khác nhau và những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị. Phác đồ điều trị phải dựa trên sự trao đổi cởi mở giữa nhân viên y tế và người bệnh, với sự đồng thuận rõ ràng. Quá trình này cần được theo dõi định kỳ, kết hợp hỗ trợ tâm lý để nâng cao hiệu quả lâu dài.
Thứ tư, cần thay đổi môi trường sống. Không thể kỳ vọng người dân sống lành mạnh nếu họ thiếu thực phẩm bổ dưỡng, thiếu không gian tập luyện hoặc đang phải chịu đựng những bất công kéo dài. Chính sách y tế cần tập trung cải thiện môi trường sống, tăng khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh với giá hợp lý, mở rộng không gian vận động an toàn, đồng thời giải quyết tận gốc các vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.
Bình luận của bạn