Ảnh minh họa
Cậu bé Jack Rogers, 12 tuổi ở Fishers, bang Indiana, Mỹ diện độc một chiếc quần soóc khi nhiệt độ ngoài trời 15 độ C khiến mẹ cậu bé chỉ biết thở dài. Hỏi ra, cậu bé bảo áo khoác rắc rối, làm cho người vướng víu, khó hoạt động.
Một tình huống phổ biến khác là rất nhiều trẻ đến trường, chạy nhảy một lúc nóng người, cởi bỏ áo len, áo khoác ngay tại trận, đến giờ về đi tìm thì không nhớ để ở đâu.
Tuy nhiên, trẻ mặc phong phanh rất nguy hiểm vì rất có thể nhiệt độ thay đổi đột ngột giữa trong phòng và bên ngoài, chúng rất dễ nhiễm lạnh. Sự lo lắng của phụ huynh cho con em mình là hoàn toàn có cơ sở bởi nếu không mặc quần áo hợp với thời tiết, cái lạnh sẽ ngấm vào khiến trẻ không thể tập trung vào việc học. "Nếu cơ thể phải đấu tranh để giữ ấm, nó sẽ lấy đi phần năng lượng đáng lẽ được dùng để tập trung vào những thứ khác, như tập trung tinh thần hay chống mầm bệnh xâm nhập chẳng hạn", bác sỹ Jennifer Shu cho biết.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng bị lạnh sẽ có thể không làm cho các em bị ốm do tiếp xúc với virus mà nguy cơ lớn hơn là ướt và lạnh, bởi thân nhiệt sẽ giảm đi trong khi độ ẩm bốc hơi khỏi da. Vì thế, cách mặc ấm nhất với trẻ là nên mặc một áo mỏng, thấm hút tốt trong cùng, lớp giữa là len hay vải cotton giữ ấm, bên ngoài ít nhất là một lớp áo dày. Phần lớn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên không có nguy cơ cao về hạ thân nhiệt hay tê cóng do không tiếp xúc với cái lạnh trong thời gian kéo dài. Tuy nhiên, không nên quên một số phụ kiện như găng tay, mũ và khăn quàng cổ, và cần thiết nhất là đôi chân phải ấm. Nếu trời mưa bẩn, có thể mặc thêm một chiếc quần thể thao nilon bên ngoài. Nhưng quan trọng hơn cả là chế độ ăn ngủ vì thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng có thể làm cho trẻ mới lớn khó khăn hơn trong việc chống lạnh.
Nắm tình hình thời tiết, mặc nhiều lớp áo sao cho phù hợp với hoạt động học hành, vui chơi, đó là nguyên tắc cha mẹ phân tích để con không bỏ qua dù thời trang đến mấy.
Bình luận của bạn