Tiến tới bình thường hóa, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

96% người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ

Giữ phương án cởi mở đón khách khi mở cửa du lịch trở lại

Thủ tướng: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh

Tại sao xơ vữa động mạch có thể gây đau đầu, tai biến, đột quỵ?

6 thực phẩm bổ sung estrogen tốt nhất cho chị em

Nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho biết, trong báo cáo của lãnh đạo Bộ Y tế tại phiên họp cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, tỷ lệ tử vong/số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%; kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Người dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Theo một khảo sát, tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.

 

Trong y tế, bệnh đặc hữu được định nghĩa chung là bệnh mà bản thân con người mắc ở mức độ thường xuyên và có thể dự đoán được, đơn cử như bệnh cúm mùa. Những dịch bệnh đó nói chung là có thể dự đoán được và xảy ra trong phạm vi dự báo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì định nghĩa đại dịch là sự lây lan không kiểm soát được của virus trên toàn cầu, còn mức độ lây truyền ổn định không dẫn đến bùng phát rộng rãi thường được coi là bệnh đặc hữu.

 

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia nhận định dịch chưa thể kiểm soát được trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.

Dự thảo chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế trình Chính phủ đặt mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác… Bộ Y tế cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể như bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 và chủ động cung ứng vaccine; giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do COVID-19/tổng số bệnh nhân được phát hiện, quản lý và điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng; tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm sẵn sàng lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại chỗ và có kế hoạch bố trí lực lượng tăng cường khi cần thiết; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19; 100% các biện pháp phòng, chống dịch, chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới người dân để tạo đồng thuận khi thực hiện.

 

 

Tại phiên họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, người vừa được giao trách nhiệm cùng lúc làm giám đốc hai bệnh viện đa khoa lớn (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Bình Dương) cho rằng sau khi phủ vaccine diện rộng, Việt Nam nên coi COVID-19 là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch. "Trước tiên, tôi thấy Việt Nam đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ zero-COVID sang thích ứng an toàn. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng khẳng định rằng chúng ta không có hy vọng zero-COVID được nữa. Đến thời điểm này cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát." (Trích PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trả lời phỏng vấn VnExpress ngày 10/2)

 

Trước phản ánh của báo chí về việc người dân khó khăn trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.

 

Trong những ngày này, tình hình chiến sự tại Ukraine đang trở nên nóng bỏng. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào ta sinh sống, làm ăn, học tập nên Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Để giúp cộng đồng người Việt tại Ukraine trong quá trình sơ tán, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện phối hợp với các hội đoàn người Việt tại các nước Ba Lan, Nga, Hungary, Rumani, Slovakia và Belarus tìm hiểu thông tin cho quá trình sơ tán, tổ chức đón và hỗ trợ bà con từ Ukraine trong trường hợp bà con sơ tán sang các nước lân cận. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, Tổ Công tác bảo hộ công dân gồm các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ sơ tán người Việt Nam tại Ukraine ra khỏi các vùng chiến sự. Theo các cơ quan đại diện, tính đến chiều ngày 2/3 giờ Việt Nam, cơ bản hầu hết bà con ở Kiev và ở Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi khu vực, đã và đang được bố trí sang các nước lân cận. 140 người đã từ Ukraine sang Ba Lan và hiện ở Warsaw; 70 người đã sang Romania; khoảng 220 người đã sang đến Moldova và sau đó sẽ được bố trí sang Romania; khoảng 30 người đã tới Hungary.

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý