Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AP
WHO: Tiếp tục theo dõi các biến thể COVID-19 XE Omicron và XD
WHO đưa ra kế hoạch chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19
WHO thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu tại Ấn Độ
Việt Nam được WHO chọn để tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA
Dữ liệu của WHO ghi nhận, tính đến hết cuối tuần vừa rồi, số ca mắc và tử vong do COVID-19 mới trên toàn cầu tiếp tục giảm tuần thứ ba liên tiếp với hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 30/3/2020.
Theo Đài CNBC, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do COVID-19 giảm xuống là tin tốt, nhưng một số quốc gia vẫn đang có số ca nhiễm tăng đột biến. Trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, giảm mạnh số lượt xét nghiệm virus, nhóm chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO nhận định còn rất lâu nữa đại dịch mới kết thúc.
"Giờ không phải lúc để chúng ta mất cảnh giác. Ngược lại, đây là một khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ, rằng COVID-19 sẽ không chấm dứt sớm, virus còn lây lan rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và mầm bệnh đang tiến triển một cách khó lường", Didier Houssin, Chủ tịch Ủy ban về COVID-19 phát biểu tại cuộc họp báo ở Geveva, theo Livemint.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh, thế giới "vẫn đang ở giữa đại dịch" và cho rằng lúc này các quốc gia cần tiếp tục đầu tư cho các trang thiết bị, công cụ chống dịch, đồng thời củng cố hệ thống y tế.
"Loại virus này theo thời gian có thể trở nên dễ lây lan hơn và nó vẫn gây chết người, đặc biệt là đối với những người không được bảo vệ và chưa được tiêm chủng, những người không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc kháng virus" - ông Tedros nói.
Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 do ông Houssin đứng đầu chịu trách nhiệm đưa ra các khuyến nghị về việc liệu việc lây truyền virus có tạo thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
"Chúng tôi nhất trí đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện bất thường, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ lây lan toàn cầu liên tục", ông Houssin nói. Ông cũng cho biết Ủy ban đang làm việc để xác định thời điểm WHO có thể tuyên bố rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu kết thúc.
WHO đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo tất cả các quốc gia tiêm ngừa COVID-19 cho 70% dân số của họ cho tới giữa năm nay. Tuy nhiên, tính đến tháng 3 vừa qua, WHO ghi nhận 75 quốc gia vẫn có tỉ lệ tiêm chủng ít hơn 40% dân số và 21 quốc gia chỉ mới tiêm chưa đến 10% dân số.
Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO lần đầu tiên tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) vào ngày 30/1/2020, khi bên ngoài Trung Quốc chỉ có dưới 100 ca mắc và không có trường hợp tử vong nào. Đây là cơ chế được quốc tế công nhận để kích hoạt phản ứng quốc tế với một đợt bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, đến 11/3/2020, khi Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức gọi đây là đại dịch, nhiều quốc gia mới nhận thấy đây là mối nguy hiểm. Kể từ đó đến nay, Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và đưa ra những khuyến cáo.
Bình luận của bạn