WHO kêu gọi các nước "hành động" vì sức khỏe đô thị

WHO kêu gọi các nước "hành động" vì sức khỏe đô thị - Ảnh: WHO

Đô thị hóa nhanh là nguyên nhân bùng phát sốt xuất huyết?

Ứng phó với ô nhiễm không khí ở đô thị

WHO: Nấm gây bệnh đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người

WHO cảnh báo Châu Âu về "quả bom hẹn giờ" do thiếu nhân viên y tế trầm trọng

Mặc dù sống ở các thành phố mang lại nhiều thuận lợi, nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng và không có kế hoạch có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe môi trường và xã hội. Những vấn đề này không chỉ bao gồm các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đại dịch và bệnh không lây nhiễm mà còn liên quan đến bệnh sốt rét và loạt bệnh do vector truyền (vật trung gian truyền bệnh) khác.

Trong khi gánh nặng về bệnh sốt rét hiện vẫn còn cao hơn ở những vùng nông thôn, với xu hướng đô thị hóa hiện nay, nhiều chuyên gia dự đoán trong một vài năm nữa hầu hết những người sống ở các nước lưu hành bệnh sốt rét sẽ chuyển sang cư trú ở khu vực thành thị.

Vừa qua, nhân Ngày các Thành phố Thế giới năm 2022 (31/10 - World Cities Day 2022), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UN Habitat (Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc) đã đưa ra Hướng dẫn toàn cầu về ứng phó với bệnh sốt rét ở khu vực thành thị. Tài liệu này cung cấp hướng dẫn cho các quan chức chính quyền thành phố, các chuyên gia y tế và các nhà hoạch định đô thị về phản ứng toàn diện với bệnh sốt rét, đặc biệt ở khu vực thành thị, nơi động lực lây truyền và gánh nặng của bệnh do vector truyền có thể khác với khu vực nông thôn. 

Bản hướng dẫn của WHO và UN Habitat cũng cho thấy, cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh sốt rét và các bệnh do vector truyền khác đòi hỏi hành động mạnh mẽ của chính quyền địa phương, trong những lĩnh vực như y tế, nhà ở và cơ sở hạ tầng.

"Bằng cách cung cấp hướng dẫn cụ thể cho quan chức địa phương, bản hướng dẫn mới này có thể giúp đảm bảo rằng kiểm soát sốt rét là một phần không thể thiếu của quá trình lập kế hoạch đô thị, hoạch định chính sách và ngân sách rộng lớn hơn,” Tiến sĩ Abdisalan Noor, Trưởng ban Thông tin Chiến lược cho Đơn vị Ứng phó giải thích trong Chương trình Sốt rét Toàn cầu của WHO, cho biết.

"Đối với từng bối cảnh đô thị, việc sử dụng dữ liệu một cách chiến lược có thể cung cấp các phản ứng hiệu quả, phù hợp và giúp xây dựng khả năng phục hồi trước mối đe dọa của bệnh sốt rét hay bệnh do vector truyền khác” - TS Abdisalan Noor cho biết thêm.

WHO cũng đã khởi động chương trình nghiên cứu sức khỏe đô thị, một chiến lược toàn diện nhằm giúp các thành phố xây dựng "bằng chứng" tốt hơn về tác động từ môi trường, kinh tế và xã hội để giải quyết những thách thức về sức khỏe đô thị.

Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Ban Các yếu tố quyết định đến sức khỏe của WHO cho biết: “Chúng tôi rất cần phải vượt qua những thách thức đang ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của những người sống ở thành phố. Các chính sách đô thị lớn phải ưu tiên sức khỏe, để đảm bảo các cộng đồng có thể sống, làm việc, đi học và vui chơi một cách bền vững, đồng thời bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất”.

Y tế đô thị đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn được WHO chú ý, tổ chức này đang tích cực giải quyết vấn đề theo nhiều cách xuyên suốt, chẳng hạn như nâng cao chất lượng không khí, cung cấp nước an toàn và cải thiện điều kiện vệ sinh; quy hoạch đô thị lành mạnh; môi trường không khói thuốc; an toàn đường bộ; phòng chống bạo lực và tai nạn thương tích; hệ thống thực phẩm và chế độ ăn uống lành mạnh; quản lý môi trường đối với các bệnh do vector truyền; và sự sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và nhân đạo. Ngoài ra, giải quyết nhu cầu của các nhóm dân cư cụ thể, chẳng hạn như trẻ em hay người di cư, cũng là một ưu tiên.

 

Độ thị hóa mang lại cho con người chất lượng cuộc sống được nâng cao, tuy nhiên, trong thực tế, người nghèo ở đô thị vẫn đang phải sống ở các khu nhà chen chúc thiếu điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng, nên nguy cơ đối với sức khỏe vẫn gia tăng. Mô hình sức khỏe cộng đồng hiện tại cho thấy sức khỏe thị dân phải đối mặt với nguy cơ chấn thương (do tai nạn), ô nhiễm và bệnh mạn tính (như đái tháo đường và tăng huyết áp). Những mối nguy cơ này rất đặc thù cho đô thị. Ngoài ra, nguồn nước sạch không đầy đủ và điều kiện sống kém vệ sinh làm tăng nguy cơ bệnh nhiễm trùng. Tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh ở các "khu nhà ổ chuột" nơi đô thị còn cao hơn so với thôn quê. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nông thôn hạn chế hơn nhưng đô thị vẫn thiếu những đảm bảo sức khỏe vốn có ở thôn quê. Chẳng hạn, đối với phụ nữ và trẻ em, xóm làng quê là cộng đồng với nhiều mối liên hệ bảo đảm sức khỏe về thể chất, an toàn về vệ sinh thực phẩm và về chăm sóc trẻ (nhiều hộ gia đình có người già trông coi trẻ).

Hiệp Nguyễn (Theo WHO)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin