WHO: Nấm gây bệnh đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người

Hình ảnh 3D của nấm Candida auris, nổi lên như một tác nhân gây bệnh nấm đa kháng thuốc - Ảnh: Dr_Microbe / Getty Images.

Điều trị nhiễm trùng nấm men chưa lâu có được làm "chuyện ấy" không?

Cấp cứu “cô bé” bị nhiễm trùng nấm men: Chỉ thuốc thôi là chưa đủ

Nhiễm trùng nấm men có phải dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường type 1?

Tình dục không phải là nguyên nhân duy nhất gây nhiễm trùng nấm men ở phụ nữ

Các loại nấm gây bệnh tiềm ẩn mối đe dọa đối với sức khỏe con người đang lan rộng theo quy mô địa lý do biến đổi khí hậu, trong khi một số bệnh do nấm cũng tăng đột biến trong đại dịch COVID-19, theo một một báo cáo mới được công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

So với danh sách virus và vi khuẩn đã được WHO cảnh báo đối với sức khỏe cộng đồng trước đó, các bệnh về nấm cho đến nay vẫn còn nhiều "ẩn số" mà các nhà khoa học chưa thể xác định, do đó vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa sự hiểu biết, giám sát, chẩn đoán virus, vi khuẩn với các loại nấm.

Theo đó, cơ quan y tế toàn cầu vừa đưa ra danh sách 19 loại mầm bệnh đang phát triển và trở nên kháng lại các phương pháp điều trị, bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

Trợ lý tổng giám đốc của WHO về kháng thuốc, Tiến sĩ Hanan Balkhy, cho biết trong một tuyên bố: “Nổi lên trong đại dịch, kháng kháng sinh của vi khuẩn hay các bệnh do nấm xâm lấn đang gia tăng khả năng chống lại các phương pháp điều trị, trở thành mối quan tâm sức khỏe cộng đồng ngày càng cấp bách trên toàn thế giới”, theo The Guardian.

Tiến sĩ Justin Beardsley, trưởng nhóm nghiên cứu của WHO thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm của Đại học Sydney cho biết việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển các loại thuốc chống nấm hiệu quả còn đang quá ít so với "gánh nặng bệnh tật to lớn" do nhiễm nấm gây ra.

“Các bệnh do nấm đang gây ra nhiều ca tử vong như bệnh lao và hơn cả bệnh sốt rét" - Tiến sĩ Justin Beardsley nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên nhanh hơn khiến nấm liên tục thích ứng với nhiệt độ tăng khiến chúng trở nên "thành thạo" hơn trong việc lây nhiễm cho con người. Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu cũng làm thay đổi các thuộc tính của nấm, môi trường và vật chủ của nó, làm tăng khả năng xuất hiện các loại nấm mới.

4 loại nấm trong danh sách "ưu tiên" của WHO

WHO cho biết, những nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng do nấm hiện nhận được ít hơn 1,5% tổng kinh phí nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: Lynne Cameron/PA

WHO cho biết, những nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng do nấm hiện nhận được ít hơn 1,5% tổng kinh phí nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: Lynne Cameron/PA

Theo Dailymail, báo cáo của WHO có sự tham gia của hơn 400 chuyên gia về nấm và xem xét hơn 6.000 bài báo nghiên cứu, đã xếp mức độ nguy hiểm của nấm bệnh dựa trên tác động đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ kháng thuốc chống nấm.

Trong số 19 loại nấm được WHO cảnh báo có 4 loại được xác định là ưu tiên "quan trọng" là: Aspergillus fumigatus, Candida albicans, Cryptococcus neoformans và Candida Auris.

Trong đó, Aspergillus fumigatus và Candida albicans - hai loại nấm gây bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu - cũng như Cryptococcus neoformans, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV. Aspergillus fumigatus chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, trong khi Candida albicans là nguyên nhân phổ biến nhất của tưa miệng và nhiễm trùng xâm lấn ở những người bị suy giảm miễn dịch có tỷ lệ tử vong cao.

Theo TS Justin Beardsley, tỷ lệ lây nhiễm của cả 2 "tác nhân" gây bệnh trên đều đã tăng ở nhiều quốc gia trong đại dịch COVID-19. “Chúng tôi đã chứng kiến một loạt bệnh nhân nhập viện với tổn thương phổi, phải được chăm sóc đặc biệt và dùng thuốc ức chế miễn dịch, với tỷ lệ những ca nhiễm trùng này tăng đột biến. Aspergillus fumigatus còn có trạng thái bệnh riêng được gọi là bệnh aspergillosis phổi liên quan đến COVID-19." - TS Justin Beardsley cho biết.

Tác nhân gây bệnh ưu tiên quan trọng thứ 4 là Candida auris (C. Auris), phát triển như một loại nấm men và lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 2009. C. Auris thường lây lan nhanh trong các cơ sở y tế, dẫn đến nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong lên tới 60%.

"4 loại nấm này đang nổi lên cùng lúc trên toàn thế giới theo đúng nghĩa đen và chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm ra lý do tại sao và bằng cách nào” - TS Justin Beardsley chia sẻ.

Giáo sư Jon Cohen, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Brighton & Sussex (Anh) cho biết: "Trong khi các vấn đề liên quan đến vi khuẩn, đặc biệt là kháng thuốc kháng sinh, đã trở nên 'nổi tiếng', và tất nhiên các loại virus gây bệnh như COVID-19 đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng, trong khi các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do nấm gây ra ít được chú ý hơn nhiều. Tuy ít phổ biến nhưng chúng lại có thể gây ra bệnh cực kỳ nghiêm trọng hoặc tử vong và thường có ít lựa chọn trong điều trị", theo The Guardian.

Báo cáo của WHO cho thấy, việc giải quyết các bệnh do nấm xâm lấn sẽ đòi hỏi phải tăng cường tài trợ cho các loại thuốc kháng nấm mới và cải tiến khả năng chẩn đoán. Hiện chỉ có 4 loại thuốc chống nấm, trong khi đó việc phát triển các loại thuốc mới rất khó khăn do sự tương đồng giữa tế bào nấm và động vật có vú. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, hiện nay việc chẩn đoán và điều trị bệnh nấm vẫn kém xa so với bệnh do vi khuẩn.

Mỗi năm, nhiễm nấm gây ra khoảng 1,7 triệu ca tử vong và hơn 150 triệu ca nhiễm trùng nặng trên toàn thế giới. Không những thế, các ca bệnh nhiễm trùng do nấm còn lây lan trong bệnh viện và có thể gây tử vong cho những người bị suy giảm miễn dịch, đang trở nên phổ biến hơn trong đại dịch.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Dailymail/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn