Thế giới lại cùng sát cánh để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Nature News.
Bộ Y tế họp khẩn, khuyến cáo 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ
Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ
Vượt 1.000 ca nhiễm toàn cầu, CDC nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ
Lời cảnh báo của WHO
Theo Financial Times, "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC)" là mức cảnh báo cao nhất đối với một căn bệnh theo quy định y tế quốc tế, đã được sử dụng lần gần nhất vào hơn 2 năm trước đối với đại dịch COVID-19. Điều này cho thấy bệnh đậu mùa khỉ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng, "ngang hàng" với các bệnh như COVID-19, Ebola và bại liệt.
Công bố quyết định vào ngày 23/7 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi ghi nhận một đợt bùng phát đã lan nhanh khắp thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng tôi hiểu quá ít.”
Ông Tedros nói rằng các thành viên hội đồng của WHO đã không thể thống nhất để có quyết định cuối cùng nhưng với tư cách là tổng giám đốc WHO, ông đã đưa ra tuyên bố về PHEIC và nhận định: "Nguy cơ tổng thể trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ vẫn ở mức thấp, ngoại trừ Châu Âu, nơi được coi là nguy cơ cao”.
Sau tuyên bố của WHO, các chính phủ sẽ phải tăng cường đánh giá, thừa nhận vấn đề về đậu mùa khỉ và vạch kế hoạch hành động. Các quốc gia thành viên của WHO giờ đây phải báo cáo mọi ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 24 giờ; các nước không phải là thành viên cũng có thể báo cáo các ca bệnh hoặc đợt bùng phát tiềm ẩn.
Ngoài ra, tuyên bố của WHO cũng "mở đường" cho việc tăng cường tài trợ và hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để nghiên cứu về bệnh đậu mùa ở khỉ cũng như đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine và thuốc điều trị, điều mà một số chuyên gia cho rằng còn thiếu.
Trong quá khứ, bệnh đậu mùa khỉ lưu hành ở vùng cận Sahara, Châu Phi và lần đầu tiên được xác định cách đây nhiều thập kỷ, tuy nhiên, gần đây căn bệnh này đã được phát hiện ở gần như hầu hết các lục địa có người sinh sống, điều mà các nhà khoa học gọi là "bất thường".
Hiện có trên 16.000 ca mắc ở hơn 75 quốc gia trên thế giới, "tâm dịch" tại Châu Âu và phần lớn các trường hợp là nam giới hay những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Theo WHO, đã có ít nhất 5 trường hợp tử vong được báo cáo ở các quốc gia Châu Phi.
Rosamund Lewis - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa ở khỉ nhấn mạnh, vẫn có thể ngăn chặn được căn bệnh này vì nó dường như bệnh chỉ tập trung ở một nhóm nhân khẩu học. Ngoài ra còn có các biện pháp đối phó hiệu quả bao gồm vaccine thường được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa và thuốc kháng virus.
Đối với vaccine và thuốc kháng virus, ngay trước tuyên bố của WHO, các quốc gia đã bắt đầu "chạy đua" để đảm bảo nguồn cung cấp cho cả 2 loại ở một số nơi như: Vương Quốc Anh, thành phố New York (Mỹ) và Canada, với việc mở rộng điều kiện tiêm chủng để tiếp cận những người có khả năng dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh đó, một số quốc gia Châu Âu cũng đang xem xét làm điều tương tự.
Mối quan tâm hiện nay là đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan ra nhiều quốc gia khi mà các chuyên gia không hiểu biết đầy đủ về các cách thức lây truyền của virus. Trong bối cảnh đó, WHO kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp giám sát và y tế công cộng, cũng như tăng cường khả năng điều trị, ngăn ngừa và kiểm soát các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
WHO cũng khyến khích các quốc gia có năng lực tăng cường sản xuất vaccine, thuốc điều trị và bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, đề phòng trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng đột biến.
Các nước bước vào "cuộc chiến mới" với bệnh đậu mùa khỉ
Cả trước và sau khi có tuyên bố của WHO, nhiều quốc gia đã tăng cường hành động.
Chính phủ Nhật Bản vừa ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh đậu mùa khỉ. Đây là cấp độ cảnh báo mức thấp nhất trong thang 4 cấp của Nhật Bản về nguy cơ mắc bệnh bệnh truyền nhiễm. Cho tới nay, Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh đầu mùa khỉ nào, tuy nhiên các quan chức chính phủ yêu cầu công dân nước này trên khắp thế giới thực hiện biện pháp tăng cường phòng ngừa để phòng tránh lây nhiễm; đồng thời khuyến cáo những người có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở ngoài Nhật Bản cần đặc biệt thận trọng.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ mới được xác nhận vào tuần trước. Kể từ tháng 5, các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể mắc bệnh này và ngay lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.
Ngoài ra, chính quyền Bangkok cũng đã đặt những khu vực có nguy cơ cao ở thủ đô vào tình trạng cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù Bộ Y tế Thái Lan cho rằng chưa cần nâng cấp bệnh đậu mùa khỉ từ “bệnh truyền nhiễm đang được giám sát” lên thành “bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.”
Trong khi đó, tính đến ngày 24/7, Singapore đã ghi nhận 8 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 4 ca nội địa và 4 ca nhập cảnh. Mặc dù số người nhiễm đã tăng lên nhưng Bộ Y tế Singapore thông báo không khuyến nghị tiêm chủng đại trà cho toàn dân chống bệnh đậu mùa khỉ ở thời điểm hiện tại, chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình. Tại Malaysia, việc kiểm tra sức khỏe đã được thắt chặt ở tất cả các điểm nhập cảnh, đặc biệt là đối với du khách quốc tế đến từ các quốc gia có các ca bệnh.
Cùng ngày, tại Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố có thể “loại bỏ” bệnh đậu mùa khỉ khỏi nước Mỹ bằng cách đẩy nhanh việc tiêm vaccine và điều trị. Phát biểu trong một chương trình trên kênh truyền hình CBS News, bác sỹ Ashish Jha, phụ trách điều phối nỗ lực đối phó với virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, nêu rõ: “Tôi nghĩ bệnh đậu mùa khỉ có thể kiểm soát được, chắc chắn như vậy. Chúng ta đã hành động nhanh chóng.”
Ông Jha cho biết Mỹ đã tiến hành những bước đi rất chắc chắn kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ hồi tháng 5, khi nguồn vaccine còn hạn chế. Mới đây Mỹ đã mua khoảng 800.000 liều vaccine từ Đan Mạch. Ngoài ra, có 2 loại vaccine được Mỹ cấp phép sử dụng là: ACAM2000 và JYNNEOS - những loại vaccine này ban đầu được phát triển để chống bệnh đậu mùa. Hiện thành phố New York là "tâm dịch" đậu mùa khỉ tại Mỹ.
Sau tuyên bố của WHO, ngày 25/7, công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch thông báo Ủy ban Châu Âu đã cấp phép cho vaccine Imvanex của mình. Vaccine của Bavarian Nordic là loại vaccine duy nhất cho đến hiện tại được cấp phép để sử dụng trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada. Cho đến nay, vaccine này mới chỉ được chấp thuận để phòng chống bệnh đậu mùa ở Châu Âu. Tuy nhiên, Bavarian Nordic đã cung cấp vaccine này cho một số nước EU trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở Châu Âu.
Tại Pháp, Cơ quan Y tế quốc gia đã phát động chiến lược tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có cả nhân viên y tế. Chương trình tiêm chủng gồm 2 hoặc 3 mũi đối với các bệnh nhân không có khả năng miễn dịch, với mỗi mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Còn tại Đức, theo những "khuyến cáo khẩn cấp" liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ, những người mắc bệnh này nên cách ly ít nhất 21 ngày và bệnh nhân phải hết mọi triệu chứng trước khi hết thời gian cách ly. Khuyến cáo cách ly 21 ngày cũng được áp dụng với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Trong khi đó, Cơ quan An ninh y tế Anh đã đưa ra hướng dẫn chính thức về những biện pháp người dân cần làm khi có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi đã tiếp xúc với người bệnh. Những người mắc bệnh hiện nay sẽ được cách ly tại nhà hoặc tại một khu cách ly riêng trong bệnh viện. Công tác truy vết tiếp xúc cũng sẽ được triển khai.
Tuy nhiên, ông Mike Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO cũng nhấn mạnh, vaccine đậu mùa khỉ cần thời gian để phát huy tác dụng, và có thể mất đến 3 tuần. Do đó, việc tiêm phòng không mang lại sự bảo vệ tức thì cho người được tiêm và cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là tránh tiếp xúc với virus.
Tại Việt Nam, ngay sau khi WHO công bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, chiều 24/7, Bộ Y tế đã họp khẩn, bàn việc ứng phó, cho dù chưa có ca bệnh nào được ghi nhận trong nước. Ngay từ tháng 5, Bộ Y tế cũng chỉ đạo tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ và người đi về từ vùng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; khuyến cáo 6 biện pháp giúp người dân chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Bình luận của bạn