WHO cảnh báo Châu Âu về "quả bom hẹn giờ" do thiếu nhân viên y tế trầm trọng

Nhân viên y tế kiệt sức sau một ca làm việc tại bệnh viện Cremona ở Milan trong thời gian trải qua làn sóng COVID-19 tại Italia - Ảnh: AFP.

3 tháng đầu năm, TP.HCM có 400 nhân viên y tế nghỉ việc

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ban hành chính sách đặc thù với nhân viên y tế

Bộ Y tế giải bài toán khó về nguồn nhân lực y tế

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết, 40% bác sỹ gần đến tuổi nghỉ hưu ở 1/3 số quốc gia Châu Âu, nghĩa là khu vực này có nhiều nhất một thập kỷ để giải quyết cuộc khủng hoảng về nhân lực y tế. 

Tiến sĩ Tomas Zapata, biên tập viên chính của báo cáo cho biết: "Nếu không có hành động khẩn cấp để thay thế lực lượng lao động đang già đi, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế rất nghiêm trọng trong khoảng 10 năm hoặc sớm hơn, khi một lượng lớn các bác sỹ sẽ nghỉ hưu".

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế ở Châu Âu được thể hiện rõ nét tại Vương Quốc Anh. Báo cáo của WHO theo các số liệu gần đây cho thấy, số lượng thiếu hụt y tá tại Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh đã đạt mức cao kỷ lục gần 47.000 người. Báo cáo cũng cho thấy, về tổng thể, Anh đang tụt lại phía sau nhiều quốc gia Châu Âu về tổng số y tá có sẵn để chăm sóc cho dân số nước mình.

Theo Nursingtimes, chỉ có 85/10.000 người là y tá hiện đang làm việc ở Anh vào năm 2020, so với từ 100 - 200 y tá/10.000 người ở các nước phương Tây và Bắc Âu khác. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng đang đào tạo ít y tá hơn các quốc gia khác, với 31/100.000 người là sinh viên tốt nghiệp điều dưỡng mới trong năm 2018, so với hơn 40/100.000 người là sinh viên điều dưỡng mới tốt nghiệp trong một năm ở Pháp, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch và hơn 70/100.000 người ở Na Uy, Phần Lan và Romania.

Ngoài ra, báo cáo của WHO cũng cho biết, COVID-19 đã làm trầm trọng thêm "cuộc khủng hoảng" này do ước tính khoảng 50.000 nhân viên y tế tuyến đầu của Châu Âu luôn làm việc trong tình trạng quá tải, phải làm thêm giờ kéo dài, hỗ trợ chuyên môn không đầy đủ, tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 cao đã góp phần khiến cho lực lượng lao động ngành y tế khu vực này càng bị thu hẹp.   

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực Châu Âu cho biết: “Tình trạng thiếu nhân sự, tuyển dụng và duy trì không đủ, lao động có trình độ cao chuyển việc, điều kiện làm việc kém hấp dẫn và ít khả năng tiếp cận với các cơ hội phát triển nghề nghiệp, liên tục đang gây khó khăn cho hệ thống y tế”.

"Tất cả những mối đe dọa này đều thể hiện như một quả bom hẹn giờ, nếu không được giải quyết sớm, có khả năng dẫn đến kết quả chăm sóc sức khỏe kém trên toàn diện, thời gian chờ đợi điều trị lâu, nhiều ca tử vong không được ngăn chặn kịp thời và thậm chí có khả năng sụp đổ cả hệ thống y tế" - TS Hans Kluge cảnh báo, theo Telegraph.

Ngăn chặn sớm cuộc khủng hoảng

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Châu Âu - Ảnh: Nursing Times

Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Châu Âu - Ảnh: Nursing Times

WHO cho biết, tổ chức này đã nhận được báo cáo ở một số quốc gia rằng có tới 9/10 số y tá đã có ý định nghỉ việc, hơn 80% số y tá được hỏi đã trải qua tình trạng căng thẳng, trầm cảm, stress...do đại dịch gây ra.

Tiến sĩ Zapata, đồng thời là cố vấn khu vực cho Lực lượng lao động Y tế và Cung cấp dịch vụ tại WHO cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế hiện tại và tương lai sẽ có thể tác động nghiêm trọng đến các bệnh nhân.

"Sẽ có những danh sách chờ đợi dài hơn nữa và bệnh nhân sẽ ngày càng khó tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế khi họ cần" - TS Zapata chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) Howard Catton tán thành lời kêu gọi các chính phủ hành động để phát triển lực lượng điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe của họ, giúp các quốc gia có thể có đủ nhân lực trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân nước mình.

“Điều này không thể chờ đợi. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, không thể chờ một kế hoạch 5 hoặc 10 năm nữa để có một kết quả như mong muốn" - ông Howard Catton nói.

Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế, Anh cũng đã phải thuê nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe từ các quốc gia bao gồm: Zimbabwe, Nepal và Philippines. Tuy nhiên, động thái này đã gây tranh cãi bởi giới chuyên gia cho rằng, Anh không nên lấy đi những nhân lực y tế tốt nhất ở các nước có tỷ lệ bác sỹ tính trên đầu người còn thấp.

Mặc dù vậy, WHO vẫn đánh giá Vương quốc Anh là một quốc gia đang “vươn lên thách thức” và thực hiện “những bước đi táo bạo và đổi mới” cho chiến lược tuyển dụng lao động nước ngoài của mình.

Trả lời về vấn đề này trên Telegraph, WHO cho biết, sẽ không có quy mô nào phù hợp cho chính sách chung về tuyển dụng nhân lực y tế, mỗi quốc gia và hệ thống y tế cần đánh giá tình hình về nhân lực y tế của nước mình và sẽ tăng cường nhân sự tùy theo nhu cầu của mỗi nước"

Ireland cũng được WHO ủng hộ vì đã thực hiện các bước để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình. Chương trình "Chăm sóc Cộng đồng Nâng cao" của quốc gia này đã dẫn đến việc gia tăng chăm sóc trong cộng đồng đối với dân số già, điều này được cho là đã giải phóng được áp lực lên hệ thống bệnh viện.

Trong số 10 khuyến nghị để tăng cường lực lượng chăm sóc sức khỏe y tế, WHO nhấn mạnh việc tuyển dụng và duy trì nhân viên y tế ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, đồng thời thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh. Và trên hết, các chính phủ phải ưu tiên đào tạo và tuyển dụng thường xuyên về nhân lực y tế.

Nghiên cứu mới đây của WHO cho biết, ít nhất 17 triệu người ở các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU) có thể đã và đang trải qua các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài trong 2 năm đầu tiên của đại dịch.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Telegraph/Nursingtimes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn