Ekip can thiệp động mạch vành phức tạp tại Viện Tim mạch Việt Nam ngày 26/1 - Ảnh: VnExpress
Y tế tuần: Bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc cho Bệnh viện Hữu Nghị
Y tế tuần: Bệnh viện Phụ sản Trung ương có giám đốc mới
Y tế tuần: Bệnh viện Phụ sản Trung ương có giám đốc mới
Y tế tuần: 490.600 liều vaccine "5 trong 1" đã về Việt Nam
Bệnh viện 108 trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước
Bác sĩ Việt Nam trình diễn ca can thiệp tim mạch phức tạp
Theo VnExpress, các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam đã trình diễn thực hiện một ca can thiệp động mạch vành phức tạp, được truyền hình trực tiếp sang Singapore, nơi đang diễn ra Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2024.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, ca can thiệp tim mạch được thực hiện chiều 26/1 là một trường hợp động mạch vành phức tạp. Bệnh nhân nữ 80 tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận và chỉ còn một thận.
Kết quả chụp động mạch vành qua da cho thấy bệnh nhân bị hẹp nặng 3 nhánh mạch vành và hẹp nặng thân chung động mạch vành trái. Đây là vị trí hẹp rất nguy hiểm ở đúng chạc 3 con đường cấp máu nuôi quả tim.
GS Phạm Mạnh Hùng nhận định: "Can thiệp mạch vành tại vị trí thân chung này đòi hỏi kỹ thuật hết sức thành thạo và nhanh chóng để tránh làm suy sụp huyết động của bệnh nhân".
Các bác sĩ chia làm 2 thì can thiệp. Lần thứ nhất, can thiệp nhánh động mạch vành phải, là nhánh thứ yếu trước đó một tuần, để tạo thuận lợi cho lần can thiệp này.
Lần can thiệp thứ 2 được thực hiện chiều 26/1, trình chiếu trực tiếp đến hội nghị về tim mạch ở Singapore. Các bác sĩ can thiệp trực tiếp vào tổn thương hẹp rất nặng của thân chung động mạch vành trái kèm theo 2 nhánh chính bên trái. Ca can thiệp diễn ra trong khoảng một giờ, đúng khung thời gian cho phép trong một phiên truyền hình trực tiếp của hội nghị.
Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2024 được diễn ra từ ngày 25-27/1, với nhiều ca trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và nâng cao.
Cập nhật thông tin sức khỏe 2 ca “thông van tim xuyên bào thai”
Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sức khỏe của hai thai phụ được can thiệp thông tim xuyên tử cung ngày 4/1 và 12/1 ổn định và tốt lên hàng ngày. Thai phụ đầu tiên hiện đang được chăm sóc và theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, thai phụ thứ hai đã được xuất viện.
TS.BSCKII Trần Nhựt Thư Hương - Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Tư Dũ cho biết, thai phụ đầu tiên không bị biến chứng, tình trạng tim mạch bào thai có cải thiện. Bệnh nhân vẫn đang nằm ở Bệnh viện Từ Dũ theo dõi, dự sinh ở tuần 38 (khoảng 23 tháng Chạp). Các bác sĩ cố gắng điều trị cho bé ra đủ tháng đủ ngày để không phải chịu rủi ro của non tháng.
Trước đó, Bệnh viện Từ Dũ đã phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện thành công 2 trường hợp thông tim can thiệp xuyên tử cung, cứu sống bào thai bị dị tật tim bẩm sinh rất nặng. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể diễn tiến đến thai lưu hoặc thai nhi tử vong ngay sau sinh.
Ca phẫu thuật thay thế đồng thời cả xương chậu và một phần xương đùi lần đầu tiên trên thế giới
Ca phẫu thuật thay thế đồng thời cả xương chậu và một phần xương đùi trong một lần mổ của Vinmec đã đánh dấu một trang mới trong điều trị ung thư xương ở Việt Nam.
Được biết, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình & Y học thể thao (CTCH) Vinmec tiến hành phẫu thuật thường quy khoảng trên 100 ca ung thư xương mỗi năm. Tuy nhiên, trường hợp nam bệnh nhân (63 tuổi) bị ung thư tại xương chậu vẫn làm cho các bác sĩ “đau đầu”. Khối ung thư đã di căn xâm lấn ra toàn bộ cấu trúc xung quanh khớp háng gồm xương chậu, bao khớp và đầu trên xương đùi.
GS.TS.BS Trần Trung Dũng - GĐ Trung tâm CTCH Vinmec chia sẻ: “Cả trong và ngoài nước cũng không có hãng thiết bị nào sẵn giải pháp xương chậu nhân tạo để thay thế cho trường hợp này. Đặt hàng nước ngoài nghiên cứu, chế tạo thì phải mất ít nhất 2 tháng, trong khi đó, người bệnh cần mổ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa khối u tiến triển xâm lấn.” Sau khi cân nhắc nhiều phương án, các bác sĩ quyết định, để có thể phẫu thuật chính xác, an toàn, nhóm phẫu thuật viên phải tự thiết kế ra xương nhân tạo cấy ghép cho bệnh nhân này.
Các kỹ sư, bác sĩ đã sử dụng vật liệu chế tạo từ hợp kim Titan y tế tương thích sinh học, sau khi in 3D và gia nhiệt có khả năng chịu tải lực gấp hơn 10 lần xương thật nhưng vẫn đảm bảo độ đàn hồi và bền chắc tương tự khi so sánh với mô xương của thanh niên trưởng thành.
Cấu trúc mẫu được cấp chứng nhận cơ tính đảm bảo chịu lực của Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Đại học Bách Khoa và Trung tâm thử nghiệm kiểm định công nghiệp, Viện cơ khí năng lượng và mỏ địa chất. Sau quá trình kiểm định, thiết kế xương chậu được gửi sang Đức để sản xuất bằng hệ thống in 3D theo đúng tiêu chuẩn thiết bị cấy ghép y tế CE của Châu Âu. Còn phần xương đùi, nhóm phẫu thuật sử dụng loại xương đùi nhân tạo titan được thiết kế dạng module đã được triển khai thường quy tại Vinmec suốt 3 năm qua.
Công đoạn sản xuất và nhập mẫu sản phẩm từ nước ngoài này chỉ mất 1 tuần, ít hơn rất nhiều so với thời gian tối thiểu 2 tháng nếu đặt hàng chế tạo từ đầu tới cuối.
Cũng nhờ thiết kế tối ưu, phần xương nhân tạo của cả xương chậu và xương đùi được đặt áp khít hoàn toàn, kết nối chính xác với phần xương lành của bệnh nhân. Bệnh nhân phục hồi kỳ diệu, ngày thứ 2 sau phẫu thuật đã có thể tự mình ngồi dậy vững chắc. Sau 10 ngày, bệnh nhân đã có thể một mình tập thành thạo di chuyển bằng nạng với quãng đường lên tới 50m mà không có bất kỳ khó khăn hay đau đớn nào. Thời gian hồi phục trong trường hợp này rút ngắn chỉ còn 1/3 so với một số báo cáo trong nước và quốc tế về thay xương chậu nhân tạo.
Bình luận của bạn