Thiền trong mọi việc - Sống tỉnh thức - Hoan hỉ mỗi ngày

Đâu chỉ tọa thiền mới là thiền, bạn có thể thiền trong mọi việc làm

Thiền tốt cho cơ thể và não bộ thế nào?

Ngồi thiền tốt cho tim, giúp giảm cân và mỡ máu

Ngồi thiền giúp bà bầu giảm ốm nghén

Hãy để thiền là một phần trong cuộc sống!

Tọa thiền và hành thiền

Thiền trên bồ đoàn là một việc làm trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người tu thiền. Để thực hành thiền cần bố trí thời gian, tại một thời điểm cố định thuận lợi nào đó trong ngày, tùy thuộc vào lịch trình sinh hoạt, tại một nơi yên tĩnh để chú tâm ngồi thiền. Tuy vậy, với những người bận rộn, quay cuồng với công việc và cuộc sống, không ai có thể chu toàn dành thời gian trong ngày để tọa thiền. Hoặc, có tọa thiền cũng khó có tâm an tịnh trong khi ngồi, thay vào đó là sự hỗn độn, mệt mỏi, nặng nề của tâm thức khi phải đối mặt với công việc bộn bề chưa giải quyết xong. Hành thiền như vậy là chưa có kết quả.

Hơn thế nữa, nếu chỉ xem việc ngồi thiền trên bồ đoàn mới là thực hành thiền thì vô tình sẽ biến những công việc và sinh hoạt hàng ngày như làm việc nhà, nấu ăn, rửa bát... trở thành trở ngại. Nếu muốn chú tâm tốt hơn cho việc ngồi thiền mà bỏ bớt đi những công việc thường ngày, liệu khi không làm xong những việc trên, tâm ta có bình lặng và sáng suốt để chú tâm ngồi thiền?

Thay vì tọa thiền, tại sao ta không thiền hành - thiền trong mọi việc của đời sống thường nhật?

Tất nhiên, ngồi thiền có lợi thế để đạt trạng thái định cao. Nhưng bạn vẫn có thể duy trì chánh niệm, tỉnh giác nơi thân và tâm trong các hoạt động thường ngày.

Chánh niệm chính là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại ngày hôm nay. Sự thích hợp ấy chính là sự tỉnh thức, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới xung quanh. Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi phút giây trong cuộc sống. Chánh niệm chính là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra xung quanh ta.

Hiểu đơn giản, chánh niệm là một nghệ thuật sống tỉnh thức. Bạn không cần phải là một Phật tử mới có thể thực tập chánh niệm. Phật giáo quan niệm rằng, điều quan trọng nhất là ta phải biết trở về với chính mình, chứ không nên cố gắng trở thành một cái gì khác. Đạo Phật dạy cho ta biết ta phải tỉnh thức và nhìn thấy sự vật như chúng thật sự như vậy. Ta biết được, ý thức được những gì đang diễn ra ngay bây giờ và ở đây, ngay trong phút giây hiện tại.

Khi ta sống với sự hiểu biết, với ý thức đó một cách thường trực, cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Để hành thiền, cần chú tâm vào mọi việc, kể cả khi rót trà, thưởng trà

Làm thế nào để hành thiền?

Khi ngồi thiền, ta dùng hơi thở để an tịnh. Tại sao ta không có cách nhìn tương tự như vậy đối với các công việc thường ngày? Hành thiền là xem mỗi công việc hàng ngày là phương tiện, là cơ hội để thông qua đó, ta thực hành an tịnh, lắng đọng tâm thức, chú tâm một cách thường xuyên với mọi việc đang làm.

Thiền trong cuộc sống đời thường không thể thực hành dễ dàng bằng ý niệm, hiểu biết, tư duy và suy luận về chánh niệm mà là kết quả của một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiểu biết và thực hành thường xuyên về kỹ năng sống trong chánh niệm.

Điều quan trọng là lưu dẫn năng lượng an tịnh, kỹ năng chú tâm trong hiện tại trong lúc thiền trên bồ đoàn vào tất cả các hoạt động, hành vi, cử chỉ hàng ngày.

1. Thiền hành (Kinh hành)

Tọa thiền liên tục trong vài giờ không phải là trạng thái dễ chịu cho những thiền sinh mới vì nó vượt quá xa khả năng tập trung của họ. Do đó, kinh hành - bước tới bước lui thật chậm trong không gian thoáng, yên tĩnh - là phương pháp hay được áp dụng. Đây cũng là một cách bạn có thể thực hiện thường xuyên, tại bất cứ nơi đâu, để tâm luôn an tịnh.

Đứng thẳng, hai tay giữ ở vị thế thoải mái, hít vào, nhấc gót một chân. Trong khi thở ra, nghỉ chân đó trên các ngón chân. Rồi khi hít vào, nhấc chân đó lên và đưa về phía trước. Kế tiếp, thở ra trong khi đặt chân đó xuống chạm mặt đất. Lặp lại với chân kia. Đi thật chậm cho tới cuối con đường, đứng yên một phút, xoay ngược lại thật chậm, rồi trở lại.

Đặt hết tất cả sự chú tâm vào cảm giác bắt nguồn từ ngón chân, lòng bàn chân, gót chân, cảm nhận các xúc cảm vi tế trong từng chuyển động.

Đây là phương pháp tu tập để làm quen với dòng chuyển động. Đừng nghĩ mà chỉ cảm giác thôi. Nếu thấy chán nản, hãy ghi nhận và buông xả nó.

Xem thêm: Những cách hành thiền trong đời sống thường nhật


2. Tư thế

Trong lúc sinh hoạt hàng ngày, bạn nên dành vài giây để xem xét tư thế của thân, để xem mình đang ở trong trạng thái nào. Âm thầm ghi nhận “đi”, “ngồi”, “nằm”, “đứng”. Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng điều này sẽ đưa bạn vào một chiều không gian mới của cảm giác.

3. Sinh hoạt chậm lại

Thực hiện những hoạt động chậm lại, cố gắng chú tâm tới những động tác tầm thường nhất.

Lấy ví dụ khi ngồi bàn uống một cốc trà. Hãy xem tư thế trong khi ngồi như thế nào, tay nào cầm cốc trà, các ngón tay cảm nhận thấy gì. Mũi ngửi hương thơm của trà. Miệng nhấm nháp vị trà... Hay khi ngồi bàn ăn cơm. Hãy xem tư thế ngồi của mình như thế nào, hai tay để ra sao. Bàn tay cầm bát ăn cơm, ngón tay cầm đũa gắp thức ăn cho vào miệng. Mũi, miệng cảm nhận mùi hương và vị của món ăn.

Nếu bạn chú tâm đến mọi hành động, để tâm tới mọi cảm giác, luồng tư tưởng và tình cảm, đó là thiền vậy!

Bạn có thể áp dụng cách này vào mọi hoạt động khác trong ngày. Mọi động tác, suy nghĩ và lời nói đều chậm lại...

4. Điều hợp hơi thở

Khi tọa thiền, quan trọng nhất là tập trung vào hơi thở. Khi hành thiền, bạn có thể kết hợp sinh hoạt hàng ngày với hơi thở. Việc này giúp các cử động nhịp nhàng hơn, dễ tập trung vào hành động hơn.

5. Tập trung vào từng việc

Nên cố gắng duy trì chánh niệm trong từng nhận thức và hoạt động suốt cả ngày dài, từ khi mở mắt thức giấc chào buổi sáng cho đến khi khép mi mắt đi ngủ vào buổi tối.

Ngoài việc tập trung vào hơi thở, bây giờ bạn cần tập trung vào công việc đang làm. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không mấy người làm được trong suốt cả ngày.

Có thể trong khi đang gõ một văn bản tại văn phòng, bạn chỉ tập trung được vài chục giây, sau đó tâm trí suy nghĩ vẩn vơ về cuộc gặp gỡ với ai đó, hay nghĩ xem tối nay nên ăn gì. Để hành thiền, bạn cần chú tâm vào tư thế và hành động của mình. Nếu đang gõ văn bản thì chỉ tập trung vào việc gõ, ý nghĩa của các con chữ mà thôi. Điều này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, bớt stress trong công việc. Lợi ích to lớn hơn mà bạn sẽ nhận được là bạn không còn cảm thấy lãng phí cả ngày trời để làm những công việc mà bạn không hề hứng thú.

Trong sinh hoạt hàng ngày cũng vậy, ta chỉ cần sống trong từng giây phút của hiện tại, không nuối tiếc quá khứ, không bị tương lai làm xáo trộn. Khi làm việc gì chỉ cần biết đến việc đó, đừng để mọi suy tư nghĩ tưởng kéo ta về quá khứ hay mong mỏi đến tương lai, đừng dính mắc vào những lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, sầu khổ và giận hờn.

Như vậy, sống tỉnh thức, mọi việc sẽ có ý nghĩa hơn, cuộc đời an lạc hơn.

Vân An H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức