Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ sản xuất giò, chả bẩn

Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua giò, chả tại các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng.

Giò, chả và bánh chưng Tết giá "chát" hơn ngày thường vẫn hút khách

Phân biệt giò, chả Tết chứa hàn the để phòng ngừa vô sinh

Kinh hoàng nguyên liệu bẩn làm giò chả

Cách chọn giò, chả ngày Tết

Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT), số lượng bị phát hiện, thu giữ trên không đáng kể so với lượng đã tiêu thụ. Nhất là thời điểm Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn lại càng nóng hơn nữa, nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; Làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở làm ăn nghiêm túc.

Nóng dịp cuối năm

Tại TP.HCM, ngày 11/1, thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành quận Thủ Đức cho biết, cơ quan chức năng đang xem xét, đề xuất mức xử phạt đối với một cơ sở giò chả tại số 937, tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu do bà Trần Thị Ngọc Lan làm chủ.

Trước đó, chiều ngày 10/1, khi đoàn kiểm tra “đột kích” thì phát hiện 768kg nguyên liệu gồm mỡ heo đông lạnh, thịt gà, thịt xay không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch thú y. Toàn bộ nguyên liệu này cũng không gắn nhãn hàng thông tin xuất xứ và thời gian sử dụng.

Ngoài ra, còn phát hiện thêm gần 10kg bột màu trắng được xác định phụ gia dùng trong bảo quản, làm giòn và dai giò chả. Bước đầu bà Lan khai nhận, cơ sở mới sản xuất được 3 tháng để “đón Tết” và vừa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tháng 12/2016. 

Cùng ngày 10/1, tại Đồng Nai, đoàn kiểm tra liên ngành khi kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả của ông Lê Văn Thi tại địa chỉ số E28A, tổ 7, KP 5, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, phát hiện có 550kg giò chả thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường. Ông Thi khai nhận đã thu mua nguyên liệu thịt heo trôi nổi đem về chế biến giò chả để bán cho các đầu mối trong dịp Tết. Bất ngờ khi đoàn lấy mẫu số giò chả trên test nhanh (định tính) thì có dấu hiệu dương tính với chất cấm. Ngay sau đó, đoàn lập biên bản tịch thu và lấy mẫu đi xét nghiệm (định lượng) để có biện pháp xử lý tiếp theo. Cơ sở của ông Thi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận ATVSTP...

Tại Hà Nội, trao đổi với PV, ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Càng sát Tết Đinh Dậu 2017, các cơ quan kiểm tra càng phát hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất, vận chuyển thực phẩm bẩn. Liên tiếp hàng loạt vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng TP. Hà Nội ngăn chặn dấy lên nỗi lo về tính chất và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Thời điểm từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2017 chắc chắn sẽ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa người tiêu dùng.

Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng ra sao?

Theo các chuyên gia y tế, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, VSATTP kém kèm phụ gia, hóa chất không xuất xứ, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng là tình trạng đang diễn ra ở một số cơ sở sản xuất giò, chả. Điều này không chỉ gây nên tâm lý bất an, lo lắng cho người tiêu dùng, mặt khác nó còn gây nguy hại cho sức khỏe người dùng,...

Một số cơ sở sản xuất giò chả mặc dù có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng phần lớn nguyên liệu của các cơ sở này đều không có nguồn gốc. Để giò, chả dai, giòn và bảo quản được lâu, vì lợi nhuận nhiều cơ sở sản xuất đã bất chấp sức khỏe của đồng loại sẵn sàng sử dụng các hóa chất cấm để chế biến loại thực phẩm này.

Trao đổi với PV, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hàn the là hóa chất vô cùng độc hại, được Bộ Y tế nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Do có đặc tính gắn kết với thực phẩm nên hàn the làm cho thực phẩm khó tiêu hơn bình thường rất nhiều.

Điều nguy hiểm là hàn the không bị thải loại hoàn toàn mà có khả năng tích tụ lên đến 15% lượng tiếp nhận vào cơ thể. Về lâu dài nó sẽ gây ngộ độc mạn tính, dần làm suy gan, suy thận, dẫn đến tình trạng biếng ăn, da xanh xao, cơ thể suy nhược, thậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa. Với trẻ em, bị tích tụ hàn the lâu ngày dẫn đến phát triển chậm trong tuổi trưởng thành. Với phụ nữ mang thai, nhiễm độc hàn the có thể gây nhiễm độc tới thai nhi.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, trước đây hàn the từng được sử dụng trong công nghệ thực phẩm do có thể giữ thực phẩm tươi ngon trong thời gian dài, không bị ôi thiu, nên được sử dụng để ướp thịt, cá. Ngoài ra, hàn the cũng có thể làm tăng độ dẻo của thực phẩm, vì vậy thường được cho vào bún, phở, nem chua, giò. Tuy nhiên, rất nhiều nước đã cấm tuyệt đối việc sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm vì những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần chọn cơ sở sản xuất có uy tín, nhãn mác ghi rõ nơi sản xuất, thành phần có trong sản phẩm.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin