Chủ tịch VAFF bức xúc vì bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo bán thuốc

Hình ảnh trang Fanpage lợi dụng hình ảnh và bịa đặt lời phát ngôn của PGS.TS Trần Đáng để quảng cáo sản phẩm - Ảnh: Hiệp Nguyễn H+.

Phó chủ tịch VAFF được vinh danh Trí thức tiêu biểu ngành y tế năm 2019

VAFF phối hợp với Cục ATTP đào tạo, tư vấn chuẩn GMP cho doanh nghiệp 2019

Chủ tịch VAFF: "Mỗi đơn vị là một pháo đài, mỗi thành viên là một chiến sĩ" chống COVID-19

Hiệp hội TPCN Việt Nam khuyến nghị sử dụng TPCN trong “đại dịch” COVID-19

Theo đó, thời gian gần đây, trên mạng xã hội tại Fanpage có tên "PGS.TS Trần Đáng - Cam Kết Chữa Dứt Điểm Xương Khớp Cho Bệnh Nhân" đã ngang nhiên lấy hình ảnh và bịa đặt lời phát ngôn của PGS.TS Trần Đáng để quảng cáo cho sản phẩm thuốc chữa xương khớp và các sản phẩm Đông y khác của mình. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, trang fanpage này liên kết với địa chỉ trang web của Công ty TNHH Bách Thảo Dược có trụ sở tại Hà Đông (Hà Nội) với phần giới thiệu là nơi chuyên sản xuất và bán các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ dược liệu, thảo dược và men sinh học. Một nội dung bài quảng cáo trên trang fanpage "PGS.TS Trần Đáng - Cam Kết Chữa Dứt Điểm Xương Khớp Cho Bệnh Nhân" có viết: "Chữa xương khớp chưa bao giờ dễ đến vậy! Chữa 1 lần - Khỏi cả đời...". Đáng nói, phần mô tả và tên trang fanpage đều sử dụng tên của PGS.TS Trần Đáng khiến người đọc có thể lầm tưởng đây là trang mạng do Chủ tịch VAFF lập ra.

Trao đổi với phóng viên Sức khỏe+, Chủ tịch VAFF Trần Đáng chia sẻ, ông hoàn toàn bất ngờ và rất bất bình về hành động trên. Ông khẳng định không hề biết, không có mối liên hệ nào với trang fanpage hay công ty này và cũng không có bất kỳ phát biểu nào quảng cáo và giới thiệu sản phẩm nói trên. Đây hoàn toàn là tạo dựng vô căn cứ, bịa đặt.

PGS.TS Trần Đáng cũng khẳng định, ông là Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam chứ không phải Chủ tịch Viện thực phẩm chức năng. Thêm nữa, ông là Bác sỹ Y tế dự phòng không phải là Bác sỹ điều trị, nên không bao giờ phát biểu "Cam kết chữa dứt điểm xương khớp cho bệnh nhân". 

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần cảnh báo và xử phạt nhưng tình trạng lợi dụng hình ảnh các nhà khoa học, nhân viên y tế để quảng cáo bán thuốc trên mạng xã hội vẫn là vấn đề "nhức nhối" xảy ra liên tục những năm gần đây. Điển hình như vụ việc trước đó của GS. TS Nguyễn Lân Dũng cũng đã bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo cho sản phẩm thuốc chữa dạ dày trên mạng xã hội; TS.Vũ Thái Hà - Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (BV Da Liễu trung ương) cũng bị một trang facebook lấy hình ảnh để quảng cáo cho thuốc trị tóc bạc sớm.

Theo quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để điều tra và xử lý những sai phạm về quảng cáo, lợi dụng hình ảnh của PGS.TS Trần Đáng cũng như của các nhà khoa học, nhân viên y tế khác để bán thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng. Trong quá trình chờ các cơ quan chức năng xử lý, Chủ tịch VAFF cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua, không nên sử dụng các sản phẩm tại trang Fanpage nêu trên.

Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn