Pháp luật về KDTM đang được rà soát để hoàn thiện hơn!

KDTM là một ngành kinh doanh hợp pháp, được pháp luật bảo hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do một số sự cố truyền thông và cả những trường hợp một số doanh nghiệp/cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cộng đồng về hình thức kinh doanh để phát triển các mô hình biến tướng, mang tính lừa đảo, khiến dư luận và cộng đồng nói chung vẫn còn nhiều hoài nghi về loại hình kinh doanh này. Thậm chí, trong một số trường hợp, ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng có sự nhầm lẫn.


Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương

Thưa ông, hiện nay, hệ thống pháp luật áp dụng trong việc quản lý cạnh tranh đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh KDTM đang ở trong tình trạng như thế nào?
Tại Việt Nam, hoạt động KDTM xuất hiện từ năm 1998, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005, trong đó, có quy định về KDTM và nghiêm cấm doanh nghiệp thực hiện hành vi KDTM bất chính.

Ngày 24/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định các nội dung quản lý hoạt động KDTM. Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng đã có Thông tư 19/2005/TT-BTM ngày 8/11/2005 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 110, chủ yếu liên quan đến thủ tục đăng ký tổ chức KDTM tại các Sở Thương mại, Sở TM-DL (nay là Sở Công Thương).

Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động KDTM đã quy định cụ thể về phạm vi đối tượng, hàng hoá được tổ chức KDTM, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp KDTM và người tham gia KDTM cũng như chức năng quản lý nhà nước về KDTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương)

Thông tư 19/2005/TT-BTM hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP, chủ yếu về thủ tục đăng ký tổ chức KDTM tại các Sở Thương mại, Sở Thương mại – Du lịch (nay là Sở Công Thương).

Thông tư số 35/2011/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thủ tục hành chính tại Thông tư số 19/2005/TT-BTM hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động KDTM.
Ngoài ra, các văn bản như Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quy định điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động KDTM.

Hiện nay, Cục QLCT đang có những rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các quy định về quản lý KDTM của Luật Cạnh tranh và Nghị định 110/2005/NĐ-CP để kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có những sửa đổi, cập nhật cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý đối với ngành kinh doanh này trong thời gian tới.


KDTM là ngành kinh doanh hợp pháp được pháp luật Việt Nam bảo hộ

Vậy trên thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước đang triển khai những biện pháp gì để kiểm soát và quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đảm bảo sự cạnh tranh minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật, trách nhiệm quản lý hoạt động KDTM thuộc Bộ Công Thương. Cụ thể là: Cục Quản lý cạnh tranh quản lý hoạt động này ở cấp trung ương và tại các địa phương, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động KDTM trên địa bàn.

Do xác định KDTM là một lĩnh vực phức tạp, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh này được xây dựng tương đối chặt chẽ, bao gồm cả các biện pháp tiền kiểm và hậu kiểm. Các doanh nghiệp muốn tổ chức hoạt động KDTM phải đăng ký với Sở Công Thương nơi đặt trụ sở chính và chỉ được triển khai sau khi Sở Công Thương đã thẩm định các nội dung về chương trình bán hàng, chế độ trả thưởng, hợp đồng mẫu, chương trình đào tạo người tham gia… và cấp Giấy đăng ký tổ chức KDTM.

Trong một số vụ việc xử lý các trường hợp mà mô hình KDTM được sử dụng làm vỏ bọc cho hành vi tổ chức hình tháp, dư luận và ngay cả một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có sự nhầm lẫn, coi hành vi lừa đảo nói trên là một dạng thức KDTM bất chính. Tình trạng này dẫn đến nhận thức tiêu cực về ngành KDTM nói chung, cũng như những bất cập trong việc áp dụng quy định phù hợp của pháp luật để xử lý vi phạm.


Sau khi, được cấp Giấy đăng ký tổ chức KDTM, quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng theo thẩm quyền. Cụ thể, Cục QLCT có chức năng điều tra và xử phạt đối với các hành vi KDTM bất chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh có chức năng giám sát, xử lý các vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh những quy định điều chỉnh đặc thù đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cũng có trách nhiệm tuân thủ những quy định chung như các doanh nghiệp thông thường khác. Do đó công tác quản lý còn có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động, y tế, tài chính…

Riêng đối với Cục QLCT, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã triển khai mạnh công tác điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Trong đó, bao gồm cả hành vi KDTM bất chính. Từ năm 2008 đến hết năm 2011, Cục QLCT đã ra quyết định xử lý vi phạm đối với 19 vụ việc KDTM bất chính với tổng số tiền phạt khoảng 3 tỷ đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý