Khơi thông vốn FDI vào ngành y dược

Ngành y dược đang là thị trường tiềm năng để thu hút vốn FDI

PGS.TS Lê Văn Truyền: “Công nghiệp dược Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức”

PGS.TS Lê Văn Truyền: "Sửa đổi Luật Dược 105/2016 là cần thiết!"

PGS.TS Lê Văn Truyền: "Sửa đổi Luật Dược 105/2016 là cần thiết!"

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược

Thị trường tiềm năng nhưng vốn vào vẫn...hạn chế!

Với dân số lớn và nhu cầu sử dụng dược phẩm ngày càng tăng, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Theo chương trình phát triển ngành dược, đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước chiếm 75% sản lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường. Đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức tương ứng là 80% và 70%. Đến năm 2045, ngành dược phẩm đóng góp hơn 20 tỉ USD vào GDP Việt Nam. Tuy nhiên, vốn FDI vào ngành y dược hiện nay vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam hiện chỉ có khoảng 160 dự án, giá trị ký kết khoảng 1,8 tỷ USD (trong tổng số gần 40.000 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn gần 500 tỷ USD). 

Theo ông Vũ Văn Chung, tổng vốn FDI vào ngành y dược vẫn còn khiêm tốn

Theo ông Vũ Văn Chung, tổng vốn FDI vào ngành y dược vẫn còn khiêm tốn

Trong lĩnh vực dược, đa phần các doanh nghiệp đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi các trung tâm y tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu thì gần như chưa có. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực y dược tại Việt Nam cũng chủ yếu phân bổ tại 13 tỉnh, thành phố, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội tốt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Làm thế nào để ngành y dược thu hút thêm vốn FDI?

Về phía cơ quan quản lý, theo ông Vũ Văn Chung, dù đã có nhiều cải thiện về pháp luật liên quan thu hút đầu tư trong y tế và dược phẩm, nhưng do đây là ngành đặc thù gắn với sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng nên cần có những điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoạt động chặt chẽ hơn.

“Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành khác để dần tháo gỡ những vướng mắc, từ đó thu hút thêm nhiều hơn những doanh nghiệp đầu ngành vào Việt Nam”, ông Chung cho biết.

Liên quan đến chiến lược phát triển ngành y dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong kì họp Quốc hội tháng 10/2024 tới, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sẽ được thông qua, góp phần định hướng thu hút đầu tư vào các hoạt động có hàm lượng công nghệ cao như nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm, thuốc là sản phẩm từ máu và huyết tương,... từ các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam.

Trong các chính sách cơ bản tại dự thảo Luật Dược (sửa đổi) được Bộ Y tế xây dựng có nhiều ưu tiên phát triển cho công nghiệp dược với các chính sách ưu tiên về đầu tư, về đất đai, thuế và đặc biệt là ưu tiên cấp giấy phát hành… Ngoài ra, dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng đề xuất bổ sung các hình thức kinh doanh, đó là kinh doanh theo chuỗi và kinh doanh kiểm thử - những hình thức kinh doanh dược hoàn toàn mới hiện nay.

Theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sắp tới sẽ có các chính sách để thu hút thêm vốn FDI vào ngành dược

Theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sắp tới sẽ có các chính sách để thu hút thêm vốn FDI vào ngành dược

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh thu hút đầu tư với nhiều nước trong khu vực.

Ông Darrell Oh cho rằng có 3 yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư với nhiều nước trong khu vực

Ông Darrell Oh cho rằng có 3 yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư với nhiều nước trong khu vực

Thứ nhất, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua chính sách rõ ràng, manh tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn và sẵn sàng đầu tư dài hạn tại đây.

Thứ hai, đưa ra các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất.

Thứ ba, có quy trình thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường các buổi đối thoại với doanh nghiệp để theo dõi quá trình hoạt động và kịp thời thích nghi với các thay đổi của thị trường.

Cùng quan điểm, bà Radhika Bhalla - Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các thị trường Liên minh châu Á, Viatris kiến nghị Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ.

Bà Radhika Bhalla kiến nghị Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế

Bà Radhika Bhalla kiến nghị Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế

Ngoài ra, "việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ có thể thu hút nhiều đầu tư vào chuyên môn hơn từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam và về lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Radhika Bhalla nhấn mạnh. 

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã thêm một số quy định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị.

Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung các quy định hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, Dự thảo cụ thể hóa các ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc. Đồng thời, tăng tỷ lệ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi đầu ra (mua thuốc, thanh toán bởi bảo hiểm y tế, giữ giá và giảm giá theo lộ trình…) đối với các thuốc mới được nghiên cứu, thuốc biệt dược gốc nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam, tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý