Lương y Đào Quốc Huy: Đông y luôn có lợi thế trong điều trị bệnh mạn tính

Lương y Đào Quốc Huy đang điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi tại phòng khám Đông y Phúc Khang Đường - Ảnh: Suckhoe+

Phát hiện vị thuốc Đông y tiềm năng trong hỗ trợ điều trị ung thư ruột kết

Kết thúc 10 ngày kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76

Cách cải thiện viêm khớp dạng thấp từ góc nhìn Đông y

Các phương pháp Đông y trị rối loạn thần kinh thực vật

Lựa chọn trị liệu bằng Đông y vì “hợp”
Chị N.T.H - 43 tuổi, là một trong những bệnh nhân “quen” tại phòng khám Phúc Khang Đường của Lương y Đào Quốc Huy. “Tôi tới đây khám, điều trị tình trạng thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, thoát vị đốt sống lưng L4-L5-S1 được hơn 4 năm rồi. Không chỉ tôi, bố chồng và chồng tôi cũng tới để cải thiện cái bệnh xương khớp di truyền của nhà mình.” Chị N.T.H nói vui với chúng tôi.

Chị H. cho biết, do đặc thù nghề nghiệp, chị bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng từ thời trẻ, thỉnh thoảng bệnh lại tái phát, đau không đi được. Chị cũng đã theo điều trị tại các bệnh viện, nhưng bác sĩ nói, chị sẽ gắn mình với căn bệnh này suốt đời, lúc nào đau thì vào viện, họ cho thuốc điều trị cùng vật lý trị liệu. Cho tới 4 năm trước, có người mách chị tới Phúc Khang Đường gặp lương y Đào Quốc Huy, và chị như “tìm thấy chân lý cho căn bệnh của mình.”

Sau đợt điều trị đầu tiên kéo dài 15 ngày liên tục, chị H. còn được lương y Đào Quốc Huy hướng dẫn các tập luyện và phòng bệnh tại nhà. 4 năm trở lại đây, thỉnh thoảng bệnh cũng có tái phát, nhất là sau những ngày thời tiết thay đổi, nhưng cũng không có đau như trước nữa. Chị H. nói vui, “Thỉnh thoảng tôi vẫn tới phòng khám để bảo dưỡng cái lưng. Nhưng mấy anh em ở phòng khám, cứ nhìn thấy tôi tới là lại trêu, mai kia trở trời rồi. Thế mà cũng đúng. Cứ thấy hơi ê ẩm ở lưng, ở cổ là tôi lại tìm tới rồi yên tâm về nhà chờ qua đợt thay đổi thời tiết.” Đợt này, chị H. tới trị liệu phần thoái hóa đốt sống cổ, cũng đã được 10 buổi, tình trạng đã ổn định.

Nói về trường hợp của chị H., Lương y Đào Quốc Huy cho rằng, thoái hóa cột sống là tình trạng lão hóa của cơ thể, không thể tránh khỏi với nhiều người. Là bệnh mạn tính, thoái hóa cột sống không thể điều trị khỏi nhưng các phương pháp bấm huyệt, châm cứu của Đông y có thể giúp người bệnh ổn định bệnh tật, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng giống như chị H., bác N.T.T - 67 tuổi, là một y tá về hưu, không may bị ngã khiến vùng thắt lưng và đầu gối bị đau, đi lại khó khăn. Bác T. cho biết: “Là người từng công tác trong ngành y, tôi hiểu, bệnh xương khớp như tôi điều trị bằng Đông y tốt hơn.” Thế nên, điều trị tại bệnh viện, bác T. lựa chọn Đông y là phương pháp điều trị bệnh cho bản thân mình. Sau vài buổi tới bấm huyệt, châm cứu và tập luyện theo phương pháp lương y Huy hướng dẫn, việc đi lại của bác T. đã tốt hơn nhiều. Bác không còn thấy đau mỗi khi di chuyển, đi lại không còn khó khăn như trước nữa.

Lương y Đào Quốc Huy sử dụng phương pháp châm cứu và bấm huyệt để cải thiện tình trạng sức khỏe cho ông H. sau đột quỵ - Ảnh: Sức khỏe+

Lương y Đào Quốc Huy sử dụng phương pháp châm cứu và bấm huyệt để cải thiện tình trạng sức khỏe cho ông H. sau đột quỵ - Ảnh: Sức khỏe+

Không bị bệnh xương khớp, ông H. tới đây điều trị di chứng của cơn tai biến mạch máu não – nhồi máu não của gần 1 năm trước. Bà H. – vợ ông kể: Gần 1 năm trước, ông H. đi ăn cưới thì bị đột quỵ. Trước đấy, ông bị tăng huyết áp nhưng chưa điều trị ổn định. Lần đi ăn cưới đấy, ông không uống rượu, nhưng đến khoảng hơn 2 giờ chiều, ông cảm thấy mệt, khó chịu vùng ngực, đau đầu. Thấy ông tái nhợt đi, những người xung quanh vội đỡ ông vào Trung tâm Y tế huyện Phú Thọ rồi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, ông được xác định bị nhồi máu não rồi được áp dụng phương pháp mới lấy huyết khối trong lòng mạch nhưng ông vẫn chịu di chứng.

“Ông nhà tôi sau điều trị 10 ngày ở viện về thì nói khó, đi lại khó khăn do hai chân bị run. Gia đình tôi cũng tìm mọi cách, điều trị mọi nơi mà không thấy cải thiện. Cách đây nửa tháng, có người mách tới đây nên hai vợ chồng tôi khăn gói từ Phú Thọ xuống đây. Nửa tháng châm cứu, điều thấy cải thiện nhất là ông ấy nói được rõ hơn, đi lại vẫn cần người dìu nhưng không giống như đợt trước nữa, chân bớt run hơn rồi.”

Ngày nào bà H. cũng cùng chồng tới Phúc Khang Đường bấm huyệt, châm cứu. Nhìn thấy chồng cải thiện di chứng, dù chưa nhiều như mong đợi, nhưng bà H. vẫn cảm thấy hài lòng bởi “ít còn hơn không.”

Đông y có công dụng của Đông y

Cũng giống như chị H, bà T., vợ chồng ông H. rời khỏi vòng khám với nụ cười trên môi. Về mặt thể chất/bệnh tật, bệnh của họ có sự cải thiện. Về mặt tinh thần, ai cũng cảm thấy “nhẹ người” khi rời phòng bệnh. Với lương y Đào Quốc Huy, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, bởi đã có được sự tin tưởng của người bệnh, không chỉ là với công việc và tay nghề của anh mà còn với cả nền Đông y nước nhà.

“Nếu như so với trước đây, Đông y hiện giờ đang “nhường sân” cho Tây y. Nhường chứ không phải là lép vế. Việc gì, những bệnh cấp tính Tây y điều trị tốt, giúp người bệnh khỏi bệnh, đỡ đau đớn, đỡ khó chịu, đỡ mệt mỏi và khỏi bệnh nhanh thì nên khuyên họ điều trị bằng Tây y. Còn những bệnh mạn tính như đau nhức xương khớp, như di chứng đột quỵ… Tây y điều trị xong phần cấp thì Đông y sẽ điều trị bổ sung phần mạn, giúp họ cải thiện sức khỏe, phục hồi sau di chứng, giảm nguy cơ tái phát. Đó là những điều hiện giờ Đông y đang tập trung tới, chúng tôi đang tập trung tới.”, lương y Đào Quốc Huy cho biết.

Theo ông Huy, Đông y có những phương án điều trị khác Tây y, tuy chậm nhưng sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe từ gốc - Ảnh: Sức khỏe+

Theo ông Huy, Đông y có những phương án điều trị khác Tây y, tuy chậm nhưng sẽ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe từ gốc - Ảnh: Sức khỏe+

Lương y Đào Quốc Huy chia sẻ: “Điểm mạnh của Đông y là chữa các bệnh về hư tổn. Người thầy thuốc phát hiện và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh, giúp người bệnh phục hồi. Thế nên, tập trung vào điểm mạnh của mình, học hỏi điểm mạnh của các trường phái khác, dựa trên thực thể để xây dựng liệu trình điều trị phù hợp nhất cho người bệnh nhân mới là điều những người thầy thuốc Đông y như chúng tôi hướng tới.”

Cũng theo Lương y Đào Quốc Huy, hiện giờ, đa phần các phòng khám Đông y đều có sử dụng các kết quả xét nghiệm như một tham chiếu điều trị. “Ví như với trường hợp của chị H., tôi vẫn yêu cầu chị đi chụp CT tại bệnh viện, mang kết quả về cho tôi xem để có thể đánh giá mức độ tổn thương do thoát vị kết hợp thoái hóa mà chị gặp phải, kết hợp với bắt mạch và thể trạng mà định hướng điều trị. Ví dụ, lực tác động khi bấm huyệt, giãn cơ hay các bài tập tại nhà dành riêng cho chị. Có như vậy, hiệu quả điều trị bệnh mới cao. Hay như trường hợp bác T. chẳng hạn. Tôi vẫn yêu cầu bác đeo đai lưng và đai đầu gối khi di chuyển. Các thiết bị đó của Tây y giúp cố định phần lưng, các khớp gối. Tiện dụng như vậy, sao phải không dùng.”

Vẫn còn đó những khó khăn

Cũng theo lương y Đào Quốc Huy, Đông y hiện nay vẫn tiếp nối các phương pháp điều trị, các bài thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với Đông y hiện nay là con người.

“Như bạn thấy, không nhiều người chấp nhận học Đông y nên dù chúng ta có nền y học cổ truyền hàng nghìn năm lịch sử thì cũng mất đi sự tiếp truyền. Ngay như tôi, trước khi quay về với Đông y, tôi cũng đã từng theo ngành khác, nhưng rồi, vì tình yêu mới quay lại. Thiếu người học, các thầy dù có tài tới đâu cũng khó có thể truyền nghề.”, lương y Đào Quốc Huy cho biết.

Lương y Đào Quốc Huy mong muốn cơ quan quản lý xây dựng sớm được bộ tiêu chí để định tính, định lượng dược liệu chính xác hơn - Ảnh: sức khỏe+

Lương y Đào Quốc Huy mong muốn cơ quan quản lý xây dựng sớm được bộ tiêu chí để định tính, định lượng dược liệu chính xác hơn - Ảnh: Sức khỏe+

Một khó khăn nữa của Đông y là nguồn cung thảo dược. Cũng giống như Tây y, có nhiều vị thuốc/thảo dược – được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền, đang được nhập từ nước ngoài, mà phần lớn từ Trung Quốc. Không kể đến việc thiếu ổn định nguồn dược liệu, chất lượng dược liệu cũng đang khiến các lương y đau đầu. “Nếu cơ quan quản lý xây dựng được bộ tiêu chí để định tính, định lượng, kiểm định độc lập nguồn dược liệu nhập khẩu thì tốt. Có như vậy, người thầy thuốc sẽ kê đơn, bốc thuốc được chính xác hơn, đem đến sự an toàn, hiệu quả cao nhất trong điều trị.”, lương y Huy chia sẻ.

Trong câu chuyện, những trăn trở của lương y Đào Quốc Huy không chỉ có vậy. Ông nói “Thiên chức của người thầy thuốc là cứu người, không phân biệt sang hèn giàu nghèo. Bởi vậy, người bệnh không phải là khách hàng, mà là những người yếu thế, cần người thầy thuốc hỗ trợ, chăm sóc, điều trị. Đừng bao giờ coi người bệnh là khách hàng, họ yêu cầu gì thì đáp ứng đấy. Còn với người bệnh, điều quan trọng là phải tìm hiểu thật kỹ về bệnh của mình từ các nguồn chính thống và tìm tới các cơ sở y tế uy tín để điều trị bệnh cho mình, dù đó là Đông hay Tây y.”, lương y Đào Quốc Huy nhắn nhủ.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý