Truyền thông: “Bà đỡ” của ngành TPCN

TPCN ngày càng phổ biến trong cuộc sống

Báo chí không nên thần thánh hóa TPCN

Hà Nội: Quảng cáo TPCN còn bát nháo và đội giá lên tới 200%

Khó tin: Thực phẩm chức năng giúp đẩy lùi tệ nạn xã hội?

Vận động viên thể thao bị cấm sử dụng TPCN?

Báo chí siết chặt, doanh nghiệp sống sao?

Với hàng nghìn sản phẩm TPCN được công bố mới hàng năm, hiện số lượng sản phẩm TPCN đã vượt quá con số 10.000 với sự tham gia của khoảng gần 2.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, các doanh nghiệp sử dụng khá nhiều “công cụ” mà báo chí - truyền thông là công cụ quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm “Vai trò của báo chí – truyền thông với ngành TPCN” do Chi hội Nhà báo Tạp chí TPCN tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp đang “than” khó sống vì… báo chí - truyền thông. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2014, chấp hành Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung và hoạt động quảng cáo TPCN, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng đã bị cơ quan chức năng và báo chí “quản lý” chặt hơn.

Báo chí - truyền thông là công cụ hàng đầu để người tiêu dùng biết đến TPCN

Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo TPCN của các doanh nghiệp. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phải nhắc lại cảnh báo về tình trạng một số cơ quan báo chí “tiếp tay” cho một bộ phận doanh nghiệp quảng cáo “quá đà” TPCN. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp trong ngành TPCN sụt giảm mạnh sau “cú siết đột ngột” này. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, quản lý tốt hơn hoạt động quảng cáo TPCN là cần thiết để loại bỏ bớt các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, quảng cáo “một tấc lên giời”, từ đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong ngành. Thế nhưng, việc quản lý chặt phải đi đôi với việc tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp chân chính trong ngành TPCN.

Đừng quay lưng với TPCN

Cũng giống như nhiều ngành kinh doanh khác tại Việt Nam, những vi phạm về quảng cáo, truyền thông trong lĩnh vực TPCN là có. Nhưng khi mà số lượng doanh nghiệp bị nêu tên nhiều hơn và qua “lăng kính” báo chí và “góc nhìn” của cộng đồng (vì đây là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe), hình ảnh của ngành TPCN bỗng trở nên… xấu xí tương tự cái nhìn chưa thực sự khách quan với các bác sỹ, bệnh viện sau mỗi tai biến y khoa.

Thế nhưng, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho rằng: “TPCN là xu hướng tất yếu, là công cụ dự phòng của thế kỷ 21 trước “cơn thủy triều dich bệnh mạn tính không lây” đang bủa vây người dân trong cuộc sống hiện đại. Các bệnh mạn tính không lây chưa thể phòng bệnh bằng vaccine mà cần thực hiện bổ sung thông qua các vitamin, các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất, các chất chống oxy hóa… Đó chính là TPCN”.

TPCN có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của TPCN trong công tác dự phòng, cũng như hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khỏe người dân. Bộ Y tế còn đưa ra định nghĩa: “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. Chính vì vậy, cộng đồng cần có cái nhìn, cách hiểu đúng đắn hơn về TPCN. “Và để làm được điều đó thì báo chí phải góp một phần để truyền thông cho cộng đồng về TPCN”, đại diện các doanh nghiệp TPCN nhận định.

Báo chí: Cầu nối doanh nghiệp và người tiêu dùng

“Báo chí nên định hướng dư luận để cho công chúng người ta hiểu đúng, dùng đúng về TPCN. Báo chí phản ánh trung thực những thông tin về TPCN giả, TPCN kém chất lượng nhưng đồng thời cũng nên đưa những thông tin về TPCN theo hướng tích cực”, DS. Nguyễn Xuân Hoàng, Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí TPCN, Phó Tổng biên tập Tạp chí TPCN nhấn mạnh. “Việc tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng những vấn đề của ngành TPCN cũng là một trong những nhiệm vụ của báo chí”.

“Cách hiểu đúng về câu “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” là ví dụ tiêu biểu. Rất nhiều bệnh nhân đã bỏ qua TPCN mà tìm đến thuốc chỉ vì nghĩ rằng chỉ dùng thuốc mới khỏi được bệnh. Trong y học cổ truyền của Việt Nam, có trường hợp trị bệnh không dùng thuốc như châm cứu, massage, bấm huyệt, phục hồi chức năng... mà bệnh vẫn khỏi. TPCN cũng là một phương pháp trị bệnh không dùng thuốc, theo quan điểm mới của Tổ chức Y tế Thế giới”, ông Nguyễn Văn Luận - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu chia sẻ.

Báo chí nên định hướng mọi người hiểu đúng, dùng đúng về TPCN

“Quy định cấm kê TPCN trong đơn thuốc cũng bị hiểu sai. Nhiều bác sỹ cho rằng như vậy là không được chỉ định TPCN để hỗ trợ điều trị bệnh cho bệnh nhân. Nhưng thực tế thì quy định này chỉ yêu cầu không ghi kèm TPCN vào đơn thuốc”, Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Công ty Dược phẩm Thái Minh bổ sung.

“Thay vì siết như hiện nay thì chúng ta cần khuyến khích sự tư vấn của cán bộ y tế và nâng cao vai trò của báo chí truyền thông để người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng TPCN”, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã định hướng trong Hội thảo “TPCN: Vai trò trong dự phòng, thực trạng quản lý và định hướng trong thời gian tới” được tổ chức cách đây chưa lâu.

DS. Nguyễn Xuân Hoàng - Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí TPCN, Phó Tổng biên tập Tạp chí TPCN: “Báo chí cũng một thời phủ nhận vai trò của TPCN với sức khỏe cộng đồng. Sự hiểu lầm này của báo chí giờ đã được cải thiện, báo chí không “đánh” TPCN nữa nhưng báo chí, truyền thông cần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của xã hội về TPCN, vai trò của TPCN với sức khỏe của người bệnh cũng như cả cộng đồng. Để thay đổi thái độ của xã hội thì báo chí phải góp một phần truyền thông nhiều hơn nữa về những mặt tích cực của TPCN”.

Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc công ty Dược phẩm Thái Minh: “Nếu 'báo chí không can thiệp thì cũng không ai “cứu” được ngành TPCN vì báo chí mới nắm được tình hình của ngành”.

DS. Nguyễn Văn Luận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu: “Báo chí góp phần cho sự phát triển của ngành TPCN. Muốn thế báo chí phải thực hiện tốt 2 nhiệm vụ là định hướng doanh nghiệp và định hướng dư luận”.
Thùy Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý