Xin chết nhân đạo, được không?

Bà Bạch Tuyết: "...mong Quốc hội, Chính phủ nên cho tôi quyền được chết" - Ảnh: Trần Kim Anh

Bác sỹ lo ngại nếu thực hiện "quyền được chết"

Đề xuất bổ sung "quyền được chết"

Bộ Y tế sẽ đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ luật dân sự

Một lá phiếu cho "Quyền được chết"

Ước nguyện của cô giáo neo đơn

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (63 tuổi) ở xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc - người chấp bút viết lá thư khẩn khoản nói về quyền được chết.

Trái với hình dung của chúng tôi về một người đang chờ ngày lìa trần, suốt buổi trò chuyện tuy đôi lúc phải ngập ngừng ở những khúc quanh cuộc đời nhưng bà Tuyết luôn tỏ ra lạc quan, nặng lòng với cuộc sống.

Bà kể: “Năm 1996, khi bác sỹ chẩn đoán bị một chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tôi suy sụp dữ lắm. Tôi ráng quay về nhà mần ăn, chờ ông trời kêu thì đi. Mà không hiểu sao mãi vẫn chưa chết”.

Mặc cảm bệnh tật khiến bà không dám mơ về một mái ấm gia đình. Bà nói lời chẩn đoán của vị bác sỹ năm xưa cứ ám ảnh mãi khiến bà không dám nghĩ đến hạnh phúc cá nhân vì sợ làm đau lòng người bà thương.

“Nhưng nếu suốt ngày ủ dột, buồn chán cũng không giải quyết được gì nên tôi quyết định sống an vui bằng cách tham gia các hoạt động xã hội” - bà Tuyết nói.

Làm nghề giáo viên tiểu học từ trước năm 1975, đến năm 1984 thì nghỉ. Bà Tuyết che một góc nhỏ gần trường học để bán từng cây bút, tập vở, ly nước cho học trò.

Rồi bà tham gia Chi hội phụ nữ xã Thuận Thành. Ai gặp chuyện khó bà ra tay giúp đỡ. Có một mảnh đất hơn 1.000m2 bà cũng nhượng lại để xây Trường mẫu giáo ấp Thuận Bắc mà chẳng đòi hỏi gì.

Sống trọn vẹn với đời là thế, nhưng nỗi sợ về một ngày không xa bệnh tật kéo đến mà không một ai bên cạnh khiến bà luôn đau đáu về “quyền được chết”.

Suy nghĩ đó được bà nêu ra trong một lần tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XII tại tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết trong những lần tiếp xúc cử tri, bà Tuyết thường nêu kiến nghị về quyền được chết từ chính hoàn cảnh của mình.

“Chúng tôi có ghi nhận, giải thích quy định pháp luật hiện hành và hứa sẽ chuyển ý kiến cử tri lên Quốc hội xem xét” - ông Dũng kể.

Bà Tuyết khoe bà đã đăng ký hiến xác cho Trường ĐH Y dược TP.HCM vào năm 2009. “Nếu sau này tôi mang bệnh, già nua hoặc sống đời sống thực vật thì tôi mong Quốc hội cho tôi quyền được chết... May ra khi đó tôi còn có thể hiến xác mình cho y học...” - bà Tuyết trải lòng.

Chưa được thừa nhận

Năm 2015, khi Quốc hội thảo luận về Bộ Luật Dân sự sửa đổi, Bộ Y tế đã có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được chết hay “cái chết nhân đạo” cho những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), là người rất tâm huyết về vấn đề này. “Trên thực tế những người bệnh nặng, y học bó tay, chịu đau đớn kéo dài cũng mong được chết một cách êm dịu và tôi nghĩ rằng nên chấp thuận mong muốn ấy của họ” - ông nói.

Cũng theo ông Quang, vì làm luật trong nghề y nên ông thấu hiểu nỗi đau đớn của người bệnh nan y, khi ông đề xuất điều này thì cũng có nhiều người đồng cảm.

“Năm 2005 khi xây dựng Bộ luật Dân sự thì đã có ý kiến cho rằng luật quy định có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc thì người bệnh nan y, đang chịu đau đớn cũng có thể có quyền êm ái về thế giới bên kia.

Tuy nhiên quyền được chết không được ban soạn thảo và Quốc hội chấp thuận vì còn nhiều băn khoăn về văn hóa, yếu tố nhân văn... Tôi cho rằng có thể 10 năm nữa hoặc đến lúc sửa đổi luật sẽ đề xuất lại vấn đề này” - ông Quang chia sẻ.

Trong khi đó, thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Phó khoa Luật Hành chính Đại học Luật TP.HCM, cho rằng quyền được chết chỉ có vài quốc gia trên thế giới thừa nhận và thực hiện.

Hiến pháp Việt Nam mới thừa nhận cho công dân có quyền được sống, quyền được hiến mô, hiến tạng... còn quyền được chết chưa có điều kiện, cơ sở để thừa nhận.

Bởi lẽ khi thừa nhận quyền được chết, Nhà nước phải xây dựng luật quy định về quyền này, xây dựng cơ chế để bảo đảm quyền được thực thi đúng (ai, đối tượng nào, hoàn cảnh nào mới được sử dụng quyền được chết, cách thức sử dụng quyền ra sao...), chuẩn bị cơ sở vật chất để thi hành...

“Rất nhiều vấn đề phải giải quyết khi Nhà nước công nhận quyền được chết để thực hiện đúng, tránh tình trạng lợi dụng, làm trái quy định” - ông Hùng nói.

Không hợp đạo lý

Khi được hỏi về “quyền được chết”, nhiều chuyên gia xã hội học thừa nhận đó là nhu cầu có thật nhưng lại đang bị phê phán gay gắt bởi không hợp với đạo lý của con người.

Theo thạc sỹ Trần Nam (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), sở dĩ quyền này bị phê phán bởi quyền được sống được bảo vệ trong hầu như tất cả các bản hiến pháp. 

Muốn ngưng điều trị phải có cam kết 
của gia đình
"Hiện những người đã chết não hoặc nan y, gia đình muốn xin cho bệnh nhân về thì tất cả người thân như anh chị em ruột, cha mẹ, vợ chồng đều phải có cam kết.
Trường hợp người chết não hiến tạng cũng phải có cam kết của tất cả các thành viên trong gia đình, chỉ một trong số các thành viên trong gia đình không đồng ý thì việc xin cho bệnh nhân về hoặc hiến tạng đều không được chấp thuận." - Ông Nguyễn Tiến Quyết, Nguyên Giám đốc Bệnh viện 
Việt Đức

Một nhà nước có thể tước đoạt cuộc sống của người khác thông qua việc tòa án tuyên án tử hình. Nhưng hiện nay số quốc gia thi hành án tử hình cũng rất ít và có xu hướng giảm, bởi họ cho rằng quyền được sống là quyền cao nhất của con người.

Về tính pháp lý, ông Nam lưu ý nếu được công nhận quyền này có thể bị lợi dụng nhằm giết người có chủ đích, con cháu cưỡng ép ông bà, cha mẹ ký vào giấy an tử...

Bên cạnh đó, việc ký giấy an tử cho người thân sẽ khiến con người có thể day dứt, hối tiếc khi người thân của họ ra đi. Với truyền thống của một dân tộc vốn coi trọng hiếu nghĩa, trọng tình như Việt Nam thì việc hiến định “quyền được chết” có vẻ như khó được chấp nhận.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng xét ở góc độ nhân đạo, nhu cầu được chết là nhu cầu có thật, rất con người.

Tuy nhiên được sống là mong muốn phổ quát và quyền quan trọng nhất của mọi người, không riêng quốc gia nào. Ở Việt Nam, quyền được sống thể hiện rất mạnh mẽ, phù hợp với tâm lý, truyền thống, đạo đức của người Việt.

Nếu một người rơi vào cảnh đau đớn, bế tắc do bệnh tật thì người thân, bác sỹ và xã hội chung tay cứu giúp. Sẽ là rất khó khăn, thậm chí là nỗi ám ảnh khủng khiếp khi phải rút ống thở, chích mũi thuốc độc... dù là để giải thoát cho họ.

Nên bổ sung quyền được chết 
cho bệnh nhân

Quyền được chết cần thiết cho một số bệnh nhân đang mang những căn bệnh không thể điều trị được, gây cho họ cảm giác đau đớn, khó chịu đến mức mong muốn được chết như một sự giải thoát.

Đứng trên cương vị người bác sỹ điều trị, hiểu được những gì mà bệnh nhân phải trải qua, tôi cho rằng Quốc hội cần bổ sung quyền được chết cho những bệnh nhân này, đặc biệt khi họ còn đủ năng lực, hành vi và có ý nguyện được chết để giải thoát khỏi sự đau đớn.

Bác sỹ Trần Ngọc Lưu Phương - Giảng viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM



Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết