Cá nhân hóa là một xu hướng đang phát triển, đặc biệt là khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới việc tìm kiếm các giải pháp giúp hỗ trợ quá trình chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần của chính bản thân họ. Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Grand View Research (Mỹ) dự đoán rằng, thị trường thực phẩm bổ sung được cá nhân hóa trên toàn cầu sẽ đạt 49,02 tỷ USD vào năm 2027. Vào năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng xu hướng này sẽ là động lực quan trọng trong ngành thực phẩm bổ sung.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp các sản phẩm bổ sung đáp ứng được nhu cầu cá nhân của người tiêu dùng. Bằng cách xem xét các yếu tố như tuổi tác, lối sống, tình trạng sức khỏe và đặc điểm di truyền, các doanh nghiệp có thể sắp xếp kết hợp yếu tố cá nhân hoá vào các sản phẩm hiện có, hoặc tạo ra thêm các sản phẩm mới đáp ứng được các yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cụ thể. Cách tiếp cận này không chỉ đáp ứng được nhu cầu cá nhân hóa ngày càng tăng, mà đồng thời còn giúp tạo dựng được lòng tin, lòng trung thành của người tiêu dùng với thương hiệu, thông qua việc trải nghiệm các dịch vụ độc đáo.
Ví dụ: Doanh nghiệp có thể cung cấp các gói sản phẩm với khả năng tùy chỉnh, hoặc các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng cá nhân.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sản phẩm bổ sung caffeine và protein, khi kết hợp với beta-alanine (một chất bổ sung có đặc tính chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch và chống lão hóa) có thể mang tới tác dụng tích cực trong việc cải thiện sức bền cho người cao tuổi. Hơn nữa, ngày càng có nhiều vận động viên lớn tuổi có nhu cầu bổ sung điện giải, men vi sinh, melatonin và vitamin D.
Dù những chất bổ sung này có thể mang lại lợi ích cho mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng vẫn có cách để các doanh nghiệp điều chỉnh thông điệp của mình, hướng tới đối tượng mục tiêu. Cụ thể, bạn có thể đặt phân khúc hướng tới các khách hàng lớn tuổi, từ đó điều chỉnh hoạt động tiếp thị để đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm cụ thể của nhóm đối tượng này. Điều quan trọng là truyền đạt được rõ ràng cách sản phẩm của bạn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, cũng như cung cấp các gói tùy chỉnh để đáp ứng được nhiều nhu cầu của nhóm đối tượng tiêu dùng này.
Trong thời đại đầy rẫy những yếu tố có thể gây căng thẳng, sức khỏe tinh thần là “kho báu” được tất cả mọi người tìm kiếm. Thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn cầu dự kiến sẽ đạt 242 tỷ USD vào năm 2027.
Các sản phẩm TPCN nhằm mục đích giảm căng thẳng, cải thiện khả năng nhận thức hoặc cải thiện tâm trạng là những xu hướng bạn có thể đầu tư, khám phá. Hãy giới thiệu sản phẩm với thông điệp phù hợp, nhấn mạnh vào lợi ích mà sản phẩm có thể mang lại như giúp hỗ trợ sức khỏe tinh thần tốt hơn.
Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là một trong những biện pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Theo đó, một người sẽ hạn chế ăn các loại thực phẩm, đồ uống có chứa calorie trong 8 giờ/ngày và kiêng ăn trong 16 giờ còn lại. Trên thực tế, Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC) đã có báo cáo cho thấy phương pháp nhịn ăn gián đoạn thậm chí đã đã vượt qua chế độ ăn ketogenic (chế độ ăn ít carbohydrate, ăn nhiều chất béo tốt) về mức độ phổ biến, với tỷ lệ lượt tìm kiếm tăng đáng kinh ngạc tới 195% trong vòng 5 năm qua.
Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp TPCN, đây là một xu hướng đáng để tận dụng. Bạn có thể nắm bắt phân khúc thị trường này bằng cách phát triển các sản phẩm hỗ trợ cho quá trình nhịn ăn gián đoạn. Ví dụ: Các chất có thể được bổ sung trong thời gian nhịn ăn mà không làm gián đoạn quá trình nhịn ăn có thể mang lại lợi ích sức khoẻ lớn cho người tiêu dùng; Các chất bổ sung giúp tăng cường tác dụng của việc nhịn ăn gián đoạn, chẳng hạn như những chất tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy đốt cháy chất béo… cũng có thể là những lựa chọn phổ biến.
Tuy nhiên, do không phải ai cũng phù hợp với chế độ nhịn ăn gián đoạn, các doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với các chuyên gia y tế để có thể đưa ra được những lời khuyên đúng đắn, phù hợp nhất cho người tiêu dùng. Điều quan trọng là cung cấp được các thông tin, hướng dẫn được người tiêu dùng cách thực hiện nhịn ăn gián đoạn đúng cách, cũng như cách các sản phẩm của bạn có thể hỗ trợ được cho chế độ ăn này. Bằng cách này, bạn có thể định vị thương hiệu của mình như một đơn vị đáng tin cậy trong mắt người tiêu dùng.
Người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về những gì họ đưa vào cơ thể. Điều này đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm TPCN với nhãn “sạch” - hay những sản phẩm không chứa các chất phụ gia nhân tạo, có danh sách thành phần rõ ràng, minh bạch. Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future (Mỹ) dự đoán rằng các sản phẩm với nhãn “sạch” trên thị trường sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 7,2%, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024.
Các doanh nghiệp có thể đi theo xu hướng này bằng cách đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chí nhãn “sạch”, truyền đạt rõ ràng thông tin tới người tiêu dùng thông qua các nỗ lực tiếp thị. Bạn có thể chú trọng vào việc hiển thị các chứng nhận có liên quan trên bao bì sản phẩm một cách nổi bật, cung cấp danh sách thành phần một cách minh bạch, tạo nội dung mang tính giáo dục, hợp tác với những người có ảnh hưởng và thu hút người tiêu dùng. Những chiến lược này giúp người tiêu dùng dễ dàng xác định và lựa chọn sản phẩm phù hợp với sở thích của họ, đồng thời tạo dựng niềm tin vào những thương hiệu ưu tiên tiêu chí nhãn “sạch”.
Trong thế giới đầy cạnh tranh của các sản phẩm TPCN, các thành phần cải tiến, sáng tạo đang tạo ra được các tác động đáng kể. Điều này đặc biệt đúng với thị trường các sản phẩm dinh dưỡng thể thao, nơi người tiêu dùng luôn mong đợi sự đổi mới, khác biệt giữa các thương hiệu. Một ví dụ điển hình có thể kể tới Myos Corp, một công ty của Mỹ đang khai thác tiềm năng từ lòng đỏ trứng để hỗ trợ xây dựng cơ bắp khoẻ mạnh. Theo đó, thương hiệu Yolked của họ nhắm đến các vận động viên muốn xây dựng khối lượng cơ. Công thức độc đáo này khiến sản phẩm của họ nổi bật hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường.
Các doanh nghiệp TPCN có thể tận dụng xu hướng này bằng cách nhấn mạnh các thành phần độc đáo của mình trong khi tiếp thị sản phẩm, đồng thời giới thiệu cho người tiêu dùng biết về các lợi ích của những thành phần này. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm cách hợp tác với các chuyên gia y tế để nâng cao uy tín, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao về nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng.
Với việc chủ nghĩa thuần chay đang ngày càng trở nên phổ biến, nhu cầu của người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng này với các sản phẩm thực phẩm bổ sung cũng có xu hướng tăng cao. Theo đó, thị trường thực phẩm bổ sung thuần chay trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt 20,8 tỷ USD vào năm 2025.
Nếu sản phẩm của doanh nghiệp bạn có thể được chế biến thuần chay, hãy cân nhắc thay đổi, biến chúng thành một sản phẩm nổi trội. Các doanh nghiệp TPCN nên tính toán tới tính toàn diện, đưa ra các sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng để thu hút sự quan tâm, tin tưởng của họ.
Trong năm tới, các chuyên gia dự đoán người tiêu dùng vẫn tiếp tục có sự quan tâm lớn tới danh mục các sản phẩm hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, đi cùng với đó là sự cảnh giác về tốc độ phổ biến của các sản phẩm. Để vừa không bỏ qua xu hướng đầy tiềm năng này, vừa đảm bảo có được các sản phẩm chất lượng cao và an toàn với người tiêu dùng, các doanh nghiệp TPCN nên cân nhắc tới yếu tố tuổi thọ của người dùng, tham khảo ý kiến chuyên môn, cũng như chú ý tới các bằng chứng đã được công bố về việc hỗ trợ giảm cân khi nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Khi các xu hướng chăm sóc sức khỏe dần ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của mỗi người, không có gì ngạc nhiên khi sức khoẻ của những “người bạn 4 chân” cũng sẽ được chú ý tới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh số bán lẻ các sản phẩm TPCN dành cho thú cưng dự kiến sẽ đạt con số “khổng lồ” 1,4 tỷ USD vào năm 2027. Các thương hiệu đang dần “xóa mờ” ranh giới giữa thực phẩm và thức uống chức năng, cùng các thực phẩm bổ sung để cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh hơn cho thú cưng.
Ngành công nghiệp TPCN đã sẵn sàng cho những thay đổi thú vị vào năm 2024. Bằng cách áp dụng các yếu tố cá nhân hóa, ưu tiên các sản phẩm có nhãn “sạch”, các thương hiệu TPCN có thể tự khẳng định mình là người đi đầu trong những thay đổi này, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Hãy nhớ rằng, thành công sẽ đến với những người biết nắm bắt cơ hội! Những doanh nghiệp có thể hành động nhanh chóng để tận dụng những xu hướng này sẽ có được lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, đừng trì hoãn việc triển khai những chiến lược này vào mô hình kinh doanh của bạn. Hãy theo dõi những xu hướng mới, luôn linh hoạt và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mà năm 2024 mang lại.
Bình luận của bạn