WHO: Omicron có thể là hồi kết của đại dịch ở Châu Âu

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu Hans Kluge tin rằng đại dịch COVID-19 đang đi đến hồi kết - Ảnh: AFP.

Bình Dương ghi nhận ca mắc Omicron, TP.HCM lần đầu dưới 200 ca COVID-19

"Còn quá sớm để kết luận Omicron là dự báo về đại dịch sẽ kết thúc"

Việt Nam có 135 ca nhiễm Omicron, nghiên cứu mở cửa các rạp chiếu phim

Thế giới lần đầu vượt mức 3 triệu ca COVID-19/ngày vì Omicron

"Việc đại dịch đang đi đến hồi kết là điều hợp lý", giám đốc phụ trách khu vực Châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, nói trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin AFP ngày 24/1. Ông Hans Kluge cho rằng, khoảng 60% người dân khu vực này có thể sẽ nhiễm biến thể Omicron vào tháng 3/2022.

Một khi đà gia tăng ca nhiễm Omicron trên khắp Châu Âu giảm xuống, "sẽ có vài tuần hoặc vài tháng miễn dịch cộng đồng được duy trì, nhờ vaccine hoặc vì mọi người đã có khả năng miễn dịch do nhiễm virus", ông nói thêm.

"Chúng tôi dự đoán rằng dịch COVID-19 sẽ yên ắng một thời gian trước khi trở lại vào cuối năm nhưng không hẳn đại dịch sẽ trở lại", ông Kluge nói, theo NewStraitsTimes.

Biến thể Omicron bắt đầu lây lan khắp toàn cầu từ cuối năm ngoái. Một số thông tin cho thấy dù có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể Delta nhưng Omicron thường ít gây bệnh nặng ở những người đã tiêm ngừa. Điều này làm tăng hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được như cúm.

Dù vậy, ông Kluge cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. "Mọi người nói nhiều về bệnh đặc hữu nhưng bệnh đặc hữu nghĩa là có thể dự đoán điều gì sắp xảy ra. Con virus (SARS-CoV-2) này khiến chúng ta bất ngờ hơn một lần và chúng ta phải cẩn thận", ông nói. Ông cũng cảnh báo có thể có biến thể khác xuất hiện vì Omicron đã lây lan quá rộng.

Ngoài ra, ông Kluge cũng cho rằng cần phải giảm thiểu sự gián đoạn diễn ra ở bệnh viện, trường học và nền kinh tế, đồng thời nỗ lực lớn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Ông kêu gọi mọi người thực hiện trách nhiệm cá nhân.

"Nếu cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà, tự xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính, hãy cách ly", ông nói.

Theo số liệu của WHO, trong khu vực bao gồm 53 quốc gia, trong đó một số nằm ở Trung Á (theo phân chia khu vực của WHO), biến thể Omicron chiếm 15% số ca mắc COVID-19 mới tính đến ngày 18/1, cao hơn một nửa so với tuần trước đó.

Tại Liên minh Châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA), biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, dễ lây lan hơn so với biến thể Delta và hiện đang chiếm đa số ca mắc COVID-19.

Với sự bùng nổ của các trường hợp mắc bệnh, vấn đề hiện nay là “giảm thiểu sự xáo trộn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, cũng như không còn chỉ tập trung vào việc giảm lây truyền nữa.

WHO: Điều tệ nhất vẫn chưa qua

Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 cảnh báo, các nước không nên nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi khi làn sóng dịch do biến thể Omicron giảm.

"Chúng ta có thể bước qua làn sóng mới nhất của Omicron. Ở nhiều quốc gia như Anh, nơi có mức độ miễn dịch cao do lây nhiễm và sự bao phủ tiêm ngừa, họ sẽ thấy sự khác biệt trong tương lai. Họ đang ở một giai đoạn khác của đại dịch.

Tuy nhiên, trong số 10 tỉ liều vaccine đã được sử dụng cho đến nay, vẫn còn 3 tỉ người đang chờ tiêm liều đầu tiên. Chúng ta vẫn có một nhóm dân số rất dễ mắc bệnh, ngay cả khi có một số quốc gia có bước tiến, phần còn lại của thế giới vẫn ở trong đại dịch. Đó là một vấn đề toàn cầu, chúng ta cần phải xử lý nó bằng các giải pháp toàn cầu", bà Kerkhove nói, theo The Guardian.

Bà Kerkhove cho rằng dịch COVID-19 sẽ không kết thúc sau làn sóng dịch do biến thể Omicron và đây cũng không phải là biến thể cuối cùng.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn