Ai phải khám mắt định kỳ?

Theo kết quả thống kê, hơn 3/4 người bệnh tiểu đường khó có giấc ngủ yên bình. Hơn phân nửa bệnh nhân tiểu đường gặp trục trặc với huyết áp, nếu không cao thì cũng dao động nhiều lần trong ngày.

Nạn nhân đồng thời khó tránh phải ngày đêm đồng hành với stress vì bệnh, vì ăn kiêng, vì uống thuốc, vì hao tài… Hậu quả là dễ tăng áp lực nội nhãn, còn gọi là bệnh cườm nước.

Trong bệnh tiểu đường, xơ vữa mạch máu không mời cũng đến do hậu quả dây chuyền của rối loạn biến dưỡng trước của chất đường, sau của chất béo. Mạch càng nhỏ càng dễ chai cứng, càng mau tắc nghẽn. Chính vì thế mà mạng lưới mạch máu li ti trên đáy mắt là nhược điểm hàng đầu trong bệnh tiểu đường.

Trục trặc không chỉ vì thế. Cơ thể người bệnh tiểu đường do rối loạn biến dưỡng bao giờ cũng tiêu hao sinh tố và khoáng tố nhiều hơn người không bệnh. Nhu cầu về sinh tố và khoáng tố càng cao hơn nữa nếu người bệnh tiểu đường đồng thời là thai phụ, người lao động nặng, người nghiện thuốc lá. Các sinh tố rất dễ thiếu hụt ở người bệnh tiểu đường là tiền sinh tố A, cặp bài trùng A-E và sinh tố C. Thần kinh thị giác vì thế không đủ sinh tố để điều tiết. Hậu quả là bệnh nhân dễ mỏi mắt, đau gáy, nhức đầu, chóng mặt… Không ít bệnh nhân tiểu đường vì thế “bị” điều trị sai hướng như rối loạn tiền đình vì chóng mặt, viêm xoang vì đau đầu vùng trán, thoái hóa cột sống cổ vì mỏi gáy… Không chỉ ở bệnh nhân cao tuổi, tình trạng mỏi mắt vì bệnh tiểu đường tất nhiên càng nhanh chân hơn nữa ở người còn trẻ nhưng ngồi yên co cứng nhiều giờ trước máy vi tính hay màn ảnh truyền hình.


Do phản ứng dây chuyền trong rối loạn biến dưỡng chất đường - chất béo - chất đạm nên nhiều thành phần trong cơ thể khó tránh bị biến thế cấu trúc. Một trong các “thí điểm” của bệnh tiểu đường là thủy tinh thể dần dần vẩn đục, trở thành bệnh “cườm khô”. Nạn nhân lúc đầu thấy mờ mờ, sau cứ như vướng bụi rồi như ruồi bay trước mắt. Hậu quả cuối cùng là mất hẳn thị lực.

Thảm trạng mù mắt do bệnh tiểu đường đó đáng lý được ngăn chặn không mấy khó nếu người bệnh cố gắng khám mắt định kỳ. Thay vì đợi cườm để mổ, cách tốt nhất cho người bệnh tiểu đường là đừng để mắt hóa cườm. Muốn được vậy, người bệnh mỗi 6 tháng phải nhanh chân đến phòng khám mắt dù mắt chưa đau. Thao tác khám mắt chỉ mất vài phút. Đáng buồn là không đến 10% người bệnh tiểu đường, theo thống kê ở nước người, được theo dõi áp lực nội nhãn mỗi 3 tháng. Nước ngoài còn vậy, nói chi xứ mình!

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp