Mang thai sau tuổi 35: Làm thế nào để mẹ tròn, con vuông?

Phụ nữ mang thai sau 35 tuổi cần theo dõi sức khỏe thường xuyên

Khô miệng khi mang thai có nguy hiểm?

Mờ mắt trong thai kỳ có nguy hiểm?

Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm?

Bà bầu ở 3 tháng cuối thai kỳ cần cẩn trọng với chứng ứ mật thai kỳ

Những nguy cơ khi sinh con muộn

Về mặt sinh lý, cơ thể phụ nữ thay đổi theo thời gian. Đến tuổi 35, cơ thể người mẹ có thể mắc nhiều rủi ro tiềm ẩn đến sức khỏe của cả mẹ và con.

Khó có thai

Khi qua tuổi 35, trứng của phụ nữ sẽ giảm cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, sức khỏe, chức năng sinh lý của người chồng cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của phụ nữ ở tuổi này. 

Khả năng mang đa thai

Những thay đổi nội tiết tố sau tuổi 35 khiến phụ nữ có khả năng rụng nhiều trứng cùng lúc. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm cũng tăng khả năng mang thai đôi, đa thai ở chị em sinh con muộn.

Nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ

Bà bầu sau tuổi 35 cần đề phòng đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ thường xảy ra ở phụ nữ mang thai muộn. Nếu không được điều trị kịp thời, đái tháo đường ở bà bầu có thể gây ra nhiều nguy hiểm khi sinh nở: sinh non, tăng huyết áp trong quá trình mang thai và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Có thể cần sinh mổ

Phụ nữ mang thai muộn thường có nguy cơ khó sinh, bởi độ giãn nở khung chậu bị hạn chế. Trong một số trường hợp phức tạp như nhau tiền đạo, người mẹ có thể được chỉ định sinh mổ. 

Nguy cơ cho thai nhi

Phụ nữ mang thai muộn có nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân, sinh non cao hơn phụ nữ trẻ. Xác suất của dị tật bẩm sinh ở trẻ có thể tăng lên theo độ tuổi khi mang thai của mẹ. Nguy cơ sảy thai cũng tăng cao do suy giảm chất lượng trứng và vấn đề sức khỏe của người mẹ. 

Biện pháp mang thai an toàn sau tuổi 35

Khám tiền sản

Các cặp vợ chồng muốn có con sau tuổi 35 cần khám sức khỏe

Chị em có thể khám tại các cơ sở chuyên khoa về sức khỏe tổng thể và khám hiếm muộn nếu cần thiết. Bạn nên xin tư vấn về thay đổi sinh hoạt, lối sống cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho thai kỳ khỏe mạnh.

Khám thai định kỳ

Hiện nay, nhiều kỹ thuật sàng lọc trước sinh như siêu âm, double test, triple test, chọc ối và xét nghiệm NIPT cho kết quả chính xác khá cao. Xét nghiệm NIPT bằng cách lấy máu của mẹ có thể xác định những dị tật bẩm sinh do nhiễm sắc thể.

Khám thai định kỳ giúp bà bầu theo dõi được sức khỏe của cả mẹ và con, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ. Bác sỹ sẽ giải đáp các thắc mắc, giúp bà bầu an tâm, bớt căng thẳng lo âu. Ngoài ra, các tiến bộ y học cho phép các bác sỹ theo dõi thai nhi định kỳ để phát hiện các dị tật bẩm sinh có thể xảy ra, giúp người mẹ chuẩn bị tâm lý. 

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Trước và trong suốt thai kỳ, người mẹ cần bổ sung nhiều vi chất như acid folic, calci, sắt, vitamin D và kiểm soát chỉ số đường huyết. Bạn có thể tham khảo các chuyên gia về cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe của mẹ.

Bà bầu nên tránh hoàn toàn đồ uống chứa cồn, thuốc lá, chất kích thích để giảm rủi ro cho cả mẹ và con khi mang thai sau 35 tuổi.

Kiểm soát tăng cân

Kiểm soát cân nặng bằng các bài tập phù hợp với bà bầu

Tăng cân là hiện tượng không thể tránh khỏi khi em bé lớn dần lên trong cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, tăng cân có kiểm soát sẽ bảo đảm sức khỏe thai nhi, đồng thời khiến người mẹ dễ lấy lại vóc dáng sau khi sinh nở.

Bà bầu nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng với bài tập thể dục dành riêng cho từng giai đoạn thai kỳ sẽ giúp người mẹ có thể lực tốt hơn trong quá trình vượt cạn. 

Không chỉ phụ nữ, nam giới muốn có con sau 35 tuổi cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra sức khỏe sinh sản. Sự chăm sóc, ủng hộ của gia đình sẽ giúp bà bầu sau 35 tuổi “mẹ tròn con vuông”.

 

Quỳnh Trang H+ (Theo Mayo Clinic)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa