Yến sào: Vì hiếm nên quý?
Gần đây, chị Lan Anh, Q. 3, TP. HCM, cảm thấy mệt mỏi và bị sụt cân. Vài người bạn thân khuyên nên dùng yến sào để bồi bổ sức khỏe. Một người bạn còn giới thiệu nguồn bán yến sào với giá gốc, chất lượng bảo đảm. Nghe bùi tai, chị Lan Anh đã mua 200g yến sào với giá 5 triệu đồng/g.
Mỗi chiều đi làm về, Lan Anh đều dùng một chén nhỏ yến chưng, sau khoảng một tuần, chị thấy tỉnh táo và khỏe hẳn ra. Lan Anh tấm tắc: “Đúng là tiền nào của nấy, yến đúng là thuốc tiên”.
Vậy thực sự yến sào có tác dụng thần thánh như thế không? Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi cho rằng thời xa xưa, yến sào là thực phẩm quý hiếm chỉ dành cho vua chúa. Quá trình khai thác rất khó khăn, nhân công phải trèo lên vách đá cheo leo, có thể nguy hiểm đến tính mạng để gỡ tổ yến xuống. Điều này khiến dân gian truyền miệng rằng yến sào có những tác dụng thần kỳ.
Thực ra, thành phần dinh dưỡng của yến sào chủ yếu là các chất đạm, trong đó bao gồm các loại a-xít amin, một số vitamin và khoáng chất có tác dụng gia tăng chuyển hóa những chất sinh năng lượng. Trong yến sào có thêm các enzym hỗ trợ tiêu hóa hấp thu. Như vậy, yến sào có tác dụng tốt đối với cơ thể, nhưng mức độ tốt cũng ngang với một số loại thực phẩm chức năng chứ không quá thần kỳ như nhiều người thổi phồng.
Vậy tại sao sau khi ăn, chị Lan Anh lại có cảm giác tỉnh táo, khỏe hẳn ra như thế? Bác sĩ Yến Phi giải thích: Yến sào chứa một số chất bổ, cộng với việc chưng với đường phèn tạo nên sự gia tăng năng lượng tức thời giúp cơ thể đang mệt mỏi có cảm giác khỏe ngay. Tuy nhiên, tác dụng “khỏe” do yến sào mang đến thường không kéo dài. Do đó, chúng ta chỉ nên nên dùng yến sào như một món ăn bổ sung các chất dinh dưỡng vào khẩu phần hằng ngày hơn là xem nó như “thuốc tiên” nhằm tăng cường sinh lực hay cải lão hoàn đồng.
Những lưu ý khi sử dụng yến sào
Ai cũng có thể dùng yến sào, kể cả người đang mắc bệnh… Tuy nhiên, bác sĩ Yến Phi khuyến cáo yến sào không phù hợp với người có rối loạn đường huyết như tiểu đường hay viêm tụy.
Chỉ chế biến yến sào ở nhiệt độ vừa phải, không để sôi trên 100OC, chưng cách thủy chứ không nấu trực tiếp. Đừng cho nhiều đường dù là đường phèn vì hàm lượng đường càng nhiều càng làm giảm tác dụng của yến sào.
Sữa ong chúa: Muốn bổ phải hiểu
Áp lực công việc khiến da mặt chị Thùy Dung, Hà Nội, xuất hiện nhiều tàn nhang và mụn cám. Đang lo lắng về vẻ đẹp xuống cấp, chị như “bắt được vàng” khi biết sữa ong chúa là thần dược cho cả sắc đẹp lẫn khả năng “yêu.
Nghe phát ham, Thùy Dung cùng ông xã “săn” bằng được sữa ong chúa. “Sữa tiết ra từ một con ong chúa để nuôi cả đàn ong chắc chắn không bổ ngang cũng bổ dọc”, chị Dung phấn khích khẳng định.
Thế nhưng, chị Dung đã “bé cái lầm” vì theo các chuyên gia dinh dưỡng và thực phẩm, sữa ong chúa không phải là sữa của con ong chúa mà là loại thực phẩm do những chú ong thợ sản xuất ra để làm thức ăn cho ong chúa. Loại này sền sệt và có màu trắng đục nên trông giống như sữa. Những con ong chúa ăn chất này sẽ có tuổi thọ cao gấp nhiều lần so với các con ong thợ.
Sữa ong chúa chứa nhiều đạm, đường, chất béo, một số khoáng chất và nhiều vitamin, là một trong những loại thực phẩm rất tốt và có khá nhiều tác dụng dược lý. Tuy nhiên, nó không có tác dụng chữa bệnh nên tùy theo mục đích sử dụng, tính chất bệnh lý và đặc điểm cơ thể mà có liều dùng phù hợp.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, giảng viên đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. HCM: “Sữa ong chúa có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục, do đó thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 10-15 không nên dùng để tránh tình trạng phát dục quá độ. Đối với người lớn, dù là thực phẩm tốt cũng không nên lạm dụng”.
Liều lượng tốt nhất mà bạn có thể dùng hằng ngày từ 100-400mg, chia thành hai lần. Ban đầu chỉ nên dùng 100mg/ ngày, sau 7 ngày tăng dần liều lượng. Sau 3-4 tuần dùng mới hiệu quả, do đó bạn nên dùng liên tục với liệu trình ít nhất là 20 ngày, có thể kéo dài liên tục trong 6-10 tuần.
Nhân sâm: Đúng người, đúng lúc
Không mê mẩn những bộ phim truyền hình “mari sến” của Hàn Quốc, nhưng chị Hạnh Thoa, Q. Tân Bình, TP. HCM, lại kết một đặc sản của xứ này là nhân sâm. Mỗi lần đi công tác ở Hàn Quốc, chị đều “tậu” vài củ nhân sâm về. Cách ngày, chị hầm sâm với chim bồ câu non hoặc gà ác để bồi bổ cho mình và chồng. Quái lạ, ăn vào cả hai đều cảm thấy khó ngủ và bồn chồn.
Trong Đông y, nhân sâm được xếp vào loại thượng phẩm, có tác dụng tốt mà không gây độc tính. Nhân sâm chứa các thành phần như a-xít amin, đạm, polysaccharide, đường mạch nha, đường saccazo, glucose, vitamin A, C, B1, B2... Đây là vị thuốc quý, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, kích thích cảm giác thèm ăn…
“Tuy rất bổ, nhưng dùng nhân sâm không đúng cách và đúng bệnh, dùng quá nhiều sẽ lợi bất cập hại”, bác sĩ Đỗ Triều Hưng, tổng thư ký hội Dinh dưỡng TP. HCM, nhận xét.
Bạn nên lưu ý một số trường hợp không được dùng nhân sâm. phụ nữ mang thai dùng nhân sâm nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trẻ em lạm dụng dùng loại này có thể bị phát dục sớm. Bên cạnh đó, người bị huyết áp và đường huyết thấp cũng không thể sử dụng nhân sâm. Người bị đau bụng tiêu chảy, kiết lỵ, đầy bụng chướng hơi, cao huyết áp, mất ngủ tránh dùng nhân sâm vào buổi chiều và tối.
Bạn nên lưu ý một số trường hợp không được dùng nhân sâm. phụ nữ mang thai dùng nhân sâm nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Trẻ em lạm dụng dùng loại này có thể bị phát dục sớm. Bên cạnh đó, người bị huyết áp và đường huyết thấp cũng không thể sử dụng nhân sâm. Người bị đau bụng tiêu chảy, kiết lỵ, đầy bụng chướng hơi, cao huyết áp, mất ngủ tránh dùng nhân sâm vào buổi chiều và tối.
Dù không chứa độc tố, nhưng nếu lạm dụng nhân sâm một cách vô độ trong thời gian dài sẽ gây nên nhiều tác hại. Trường hợp vợ chồng chị Hạnh Thoa là một ví dụ. Bác sĩ Yến Thủy cho biết, nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cơ thể khỏe mạnh không cần đến nhân sâm. Ngoài ra, chỉ nên dùng nhân sâm trong giai đoạn ngắn khi cần tăng cường sức khỏe sau một thời gian chữa bệnh, ăn uống kém, mệt mỏi hay suy nhược.
Nhân sâm có thể dùng dưới dạng tươi, thuốc hãm hoặc rượu. Tuy nhiên, chỉ nên uống rượu sâm trước các bữa ăn hoặc vào buổi tối.
Dùng “3 trong 1” liệu có tốt?
Mỗi ngày ba lần, điện thoại di động của Huỳnh Trúc Phương, 34 tuổi, TP. HCM, đều đổ chuông nhắc nhở lịch tẩm bổ tam dược: 8 giờ: nhân sâm, 13 giờ: sữa ong chúa, 21 giờ: yến sào. “Ở độ tuổi trung niên mà không lo chăm sóc bản thân có ngày hối hận không kịp”, Phương phân trần.
Liệu cách tẩm bổ theo kiểu combo “3 trong 1” thật sự hữu hiệu cho sức khỏe? Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay, khoa Y học cổ truyền, đại học Y Dược TP. HCM, cho rằng: “Những chất bổ này đạt hiệu quả tốt nhất đối với người trên 60 tuổi vì cơ thể đã lão hóa, nhưng không nên dùng trong thời gian dài. Một lưu ý nữa là không nên dùng sữa ong chúa cùng lúc hoặc gần thời điểm với nhân sân và yến sào vì thành phần của nó có khả năng chống các hoạt động của gốc tự do (nguyên nhân gây lão hóa), nhưng lại làm mất tác dụng của hai chất bổ kia”.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Bay còn nhấn mạnh: “Các bạn tránh dùng ba loại này theo kiểu “nhồi nhét” vì cơ thể không những không có tác dụng mà còn gây hại khi “bắt” các bộ phận phải hoạt động hết công suất để hấp thu dưỡng chất”.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp
Bình luận của bạn