Đừng ngại hỏi lại bác sỹ!

Bác sỹ Lân Hiếu chia sẻ về những sai lầm khi dùng thuốc của người bệnh, khuyên rằng: Đừng ngại hỏi lại bác sỹ.

Vệ sinh nhà bếp nhanh gọn với baking soda

Phòng ngừa bệnh Crohn như thế nào?

Trẻ sốt do viêm amidan nguy hiểm không và cách hạ sốt

Nho xanh, đen hay đỏ tốt hơn cho sức khỏe?

Xin dẫn lại dưới đây lời khuyên "Tuân thủ Đơn thuốc" của người thầy thuốc tâm huyết Lân Hiếu:

Tìm hiểu kỹ về đơn thuốc trước khi sử dụng là rất cần thiết. Vậy nhưng tìm hiểu không đến nơi đến chốn hoặc sai cách lại có thể nguy hại. Xin chia sẻ một số sai lầm hay gặp sau khi nhận đơn thuốc từ bác sỹ:

1. Uống thử một số loại theo mình nghĩ là cần thiết còn loại khác “từ từ rồi tính”. Đây là thói quen rất hay gặp ở nhóm các bệnh nhân “thông minh”. Vì mất niềm tin nên họ sợ các bác sỹ cho thuốc thừa không cần thiết như kiểu: “Tôi có đau dạ dày đâu mà cho thuốc”, nhưng đâu biết rằng thuốc chống viêm giảm đau có thể gây thủng dạ dày ở người bệnh có nguy cơ cao. Các đơn thuốc thực phẩm chức năng theo quy định phải kê riêng chính là cách để bệnh nhân phân biệt với đơn chữa bệnh cần tuân thủ tuyệt đối. NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

2. Trộn nhiều đơn thuốc vào nhau, mỗi đơn chỉ uống 1 loại: 1 viên tim, 1 viên thận, 1 viên khớp,… rất hay gặp ở những người mắc nhiều bệnh mạn tính, khám ở nhiều bệnh viện, nhiều chuyên khoa. Đây là nguyên nhân bệnh nặng lên, rất cần thiết có một đơn thuốc tổng hợp tránh chữa bệnh kiểu “thầy bói sờ voi”. Lời khuyên của tôi nên chữa tại một cơ sở y tế, mỗi chuyên khoa là một bác sỹ và các bác sỹ cần biết thuốc của chuyên khoa khác để lựa chọn, tránh hiện tượng bất tương hợp thuốc. Nếu không làm được như vậy hãy mang đủ tất cả đơn đang và đã dùng đi theo mỗi lần khám, đưa cho bác sĩ xem. (Tham khảo bài “một Thầy một Thuốc” tôi đã chia sẻ). NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

3. Suy luận hàm lượng thuốc 1+1=2 để mua khác với đơn bác sỹ. Đây là sai lầm mà ngay cả nhân viên y tế cũng mắc phải. Hôm qua cậu bạn thân có người nhà huyết áp lên xuống thất thường. Tìm hiểu mãi hoá ra đang dùng 1 viên Nifedipin 30mg LA (long action: tác dụng chậm) nhưng không mua được nên tự đổi sang 1 viên 20mg và 1 viên 10mg. Có biết đâu viên 10mg là thuốc tác dụng nhanh nên khi sử dụng huyết áp tụt sau đó lại lên vù vù. NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

4. Ngừng thuốc đột ngột. Nhiều người bệnh đã tự ý ngừng dùng thuốc khi nghĩ bệnh đã khỏi, uống hết đơn thuốc không cần khám lại hay đọc được danh sách các tác dụng phụ của thuốc sợ quá ngừng luôn. Việc tự ý ngừng thuốc có thể khiến bệnh nặng lên hơn cả khi chưa dùng thuốc. Ví dụ nếu chưa dùng thuốc, huyết áp cao có thể chưa gây biến chứng nhưng khi đã dùng thuốc mà dừng đột ngột làm huyết áp tăng vọt gây ra tai biến chảy máu hết sức nguy hiểm. NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

5. Uống thuốc sai thời điểm, uống thuốc vẫn dùng rượu bia, tự giảm bớt liều lượng hay ngược lại tự tăng liều. Là những sai lầm hay gặp nhất. Chỉ lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Một số thuốc có vỏ bọc để phóng thích chậm nhưng bạn bẻ đôi là mất đặc điểm này và cơ thể bạn sẽ có lúc hàm lượng thuốc quá nhiều lúc lại quá ít. NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

6. Bảo quản thuốc không đúng cách, mua thuốc không rõ nguồn gốc (phổ biến hiện nay là mua trên mạng, theo quảng cáo), nghe lời nhà thuốc đổi tên thuốc tương đương, thuốc hết hạn vẫn sử dụng, dùng đơn của người khác sau khi mô tả bệnh cũng tương tự như nhau, không kiểm tra kỹ tên, liều lượng thuốc có trùng với đơn hay không, tiếc không bỏ thuốc cũ (uống nốt),… là những sai lầm cần lưu ý vì “sai một ly đi một dặm”. NẾU CHƯA THÔNG CẦN HỎI LẠI BÁC SĨ!!!

7. Cuối cùng là không chịu uống thuốc, quên uống hoặc cố tình bỏ thuốc,… nằm trong phạm trù khác. Nhìn mẹ tôi chuẩn bị thuốc mỗi ngày cho bố suốt nhiều năm nay tôi mới hiểu giá trị sự quan tâm động viên của gia đình quan trọng đến nhường nào. Cái này không hỏi bác sỹ được mà tự hỏi CHÍNH MÌNH xem đã làm hết khả năng đối với sức khỏe bản thân và người thân trong nhà hay chưa!

Bài viết dành chủ yếu dành cho người bệnh nhưng cũng mong chia sẻ để các bác sỹ và điều dưỡng chịu lắng nghe thêm thắc mắc khi người dân cầm đơn thuốc trên tay. Mà thật ra nhân viên y tế là chúa ẩu khi dùng thuốc, không làm gương bao giờ .Thăm nhà máy cá ở Tahiti mà việc tuân thủ quy trình phòng dịch hơn cả trong bệnh viện. Tuân thủ quy trình là chìa khoá thành công để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.

 
SK+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ