Suýt chết vì chích máu ngón tay "chữa đột quỵ" tại nhà

Sử dụng thuốc hoặc sơ cứu không đúng cách làm mất đi khoảng "thời gian vàng" để điều trị đột quỵ não

Run tay chân sau tai biến mạch máu não: Nguyên nhân do đâu?

Tái phát tai biến mạch máu não - Nguy cơ và cách phòng ngừa

Cách chăm sóc, phục hồi sức khỏe sau tai biến

Đột quỵ thoáng qua: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Suýt mất mạng vì sơ cứu đột quỵ theo hướng dẫn trên mạng

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) thông tin, đơn vị vừa cứu thành công một bệnh nhân nam đột quỵ (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Người này nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, năm đầu ngón tay bị người thân dùng lưỡi lam cắt sâu.

Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải. Sau khi tham khảo "thầy thuốc online”, vợ và một người thân của bệnh nhân nhanh chóng "cấp cứu” cho ông bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.

Thấy máu ở các đầu ngón tay chảy nhiều nhưng bệnh nhân vẫn còn liệt nên gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Sau đó bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Gia đình bệnh nhân đã cấp cứu theo hướng dẫn trên mạng bằng cách rạch sâu đầu ngón tay - Ảnh: Báo Dân Trí

Gia đình bệnh nhân đã "cấp cứu" theo hướng dẫn trên mạng bằng cách rạch sâu đầu ngón tay - Ảnh: Báo Dân Trí

Tuy vào viện khi đã hơn 6 tiếng kể từ lúc khởi phát triệu chứng, nhưng bệnh nhân vẫn còn trong "giờ vàng" cấp cứu. Các bác sỹ xác định bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa nên can thiệp tái thông thành công.

Đến nay, sức khỏe người đàn ông đã hoàn toàn ổn định. Các bác sỹ dặn dò bệnh nhân bỏ thuốc lá và uống thuốc thường xuyên để không tái phát.

Tầm quan trọng của "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ

Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến viện trong "thời gian vàng" 6 giờ đầu vẫn còn hạn chế. Các tế bào não không được cung cấp đủ máu và oxy sẽ chết đi nhanh chóng, nên sự sống của người bệnh đột quỵ được tính bằng giây.

"Thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ là từ 3 - 4,5 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Tùy từng trường hợp, bác sỹ sẽ cân nhắc áp dụng các kỹ thuật hiện đại bao gồm: Dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ…

Nếu tìm kiếm từ khóa "chữa đột quỵ", "chữa tai biến" trên Google, bạn có thể bắt gặp các kết quả như: Bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, chích lể... Tuy nhiên, các chuyên gia luôn cảnh báo không nên thực hiện những động tác làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Đột quỵ có 2 dạng với cơ chế trái ngược, là đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Vì vậy, người thân tuyệt đối không tự ý cho người bệnh dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi.   

Ths.BS Đỗ Gia Quý - Trưởng Khoa Đột quỵ - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương khuyến cáo: "Chúng tôi khuyên bệnh nhân khi có dấu hiệu đột quỵ thì phải vào bệnh viện điều trị ngay. Sau điều trị giai đoạn cấp, tức là tính mạng bệnh nhân được cứu sống rồi, thì cần phải tiến hành phục hồi chức năng thật sớm và phải điều trị mang tính toàn diện, kết hợp cả y học cổ truyền và y học hiện đại."

Các bác sỹ khuyến cáo, khi thấy bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt tay chân, méo miệng, co giật, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức, người thân cần gọi cấp cứu, hoặc đưa đến ngay cơ sở y tế. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh