Chỉ ra bệnh, tìm cách khắc phục bệnh sẽ giúp con người trở nên khỏe mạnh hơn.
Sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn?
Podcast: Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần bổ sung calci thế nào?
10 điểm đến đáng ghé thăm nhất ở Latvia
Những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh sa sút trí tuệ
Một thủ trưởng cũ, là lãnh đạo chủ chốt khiến chúng tôi rất kính nể vì “sự nhớ” của ông, nhất là việc ông nhớ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Chỉ đạo công việc ông luôn chỉ ra việc ấy, việc nọ là thực hiện theo chỉ thị, nghị quyết nào của Trung ương, của Bộ Chính trị... Về sau, có dịp hầu chuyện ông, nhắc đến việc ông nhớ đến chi tiết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ông bảo “Anh phải đọc, phải nghiên cứu rất kỹ để hiểu và khi đã hiểu rồi thì rất nhớ”. Ông nói, mọi công việc Đảng đều có chủ trương, ban hành thành chỉ thị, nghị quyết, vấn đề là chỉ đạo tổ chức thực hiện như thế nào để đạt được kết quả, phải chỉ ra ai thực hiện, bắt đầu từ đâu, như thế nào, thực hiện ra sao... Ông nói ngắn gọn như vậy, nhưng thực sự đã đúc kết cả quá trình từ nhận thức đến hành động, chỉ ra cho thấy việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng quan trọng đến như thế nào!
Có thể hiểu một cách khái quát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương chính là sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong các nghị quyết được ban hành luôn có nội dung về tổ chức thực hiện, trong đó bao gồm việc giao cho các tổ chức Đảng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nghị quyết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đảng ta rất quan tâm đến việc học tập Nghị quyết của Đảng. Người yêu cầu: "Cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần Nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được". (nguồn: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 24)
Việc quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề cho sự thành công của việc tổ chức thực hiện nghị quyết, đảm bảo đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Do đó, đấy là một nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức Đảng, của hệ thống chính trị cũng như của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là khâu đầu tiên, cũng là khâu then chốt quyết định sự thành công đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Thành công của Đại hội không phải là thông qua được Nghị quyết, bầu Ban Chấp hành mới, quan trọng hơn, sắp tới phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào”. (nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo sau Đại hội XIII của Đảng”, ngày 1/2/2021)
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận trong thực tế, việc quán triệt Nghị quyết hay đi học Nghị quyết một số cán bộ, đảng viên còn có tâm lý “ngại”, “ngán” và học chưa nghiêm túc hay còn chểnh mảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) cũng đã thẳng thắn nhận diện và chỉ ra, cho đó chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy mà một bộ phận cán bộ, đảng viên tinh thần, thái độ học tập chưa đúng đắn.
Hệ lụy của việc này, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”. (nguồn: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 94)
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”. (nguồn: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 109)
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu cần tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; trong đó, đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở sao cho phù hợp với từng đối tượng; chú trọng chất lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu: “Phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ...”
Một số hạn chế, yếu kém dẫn đến căn bệnh ngại học, lười học nghị quyết đã được chỉ ra cụ thể, như:
- Một số cấp ủy chưa nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của việc học tập nghị quyết, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng;
- Công tác tổ chức học tập nghị quyết còn mang nặng tính khuôn mẫu, hình thức, chưa linh hoạt, sáng tạo;
- Một số báo cáo viên còn chưa thực sự chuyên sâu trong truyền tải kiến thức, bài nói, bài viết chưa có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành, nghề;
- Việc quán triệt nghị quyết chủ yếu mới dừng lại ở khâu báo cáo, ít thời gian tiến hành trao đổi, đặt ra các câu hỏi để thảo luận, tương tác, giải đáp thắc mắc;
- Tinh thần, thái độ học tập của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn tình trạng học đối phó cho xong, việc điểm danh tiến hành qua loa, chiếu lệ;
- Cơ sở vật chất phục vụ cho học tập nghị quyết ở một số nơi còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu;
- Công tác kiểm tra, đánh giá việc nghiên cứu, học tập, quán triệt ở một số nơi vẫn chưa được coi trọng đúng mức...
Những hạn chế nêu trên đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập theo hướng thiết thực, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành. Trong đó, một số giải pháp cụ thể được đề xuất tập trung thực hiện, như:
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân.
- Cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết. Coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
- Lựa chọn hình thức lớp học phù hợp với từng đối tượng, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách học với các hình thức đa dạng, như tổ chức hội nghị chung, lớp học chuyên đề; thông qua sinh hoạt chi bộ; qua việc tự nghiên cứu tài liệu; đơn vị, đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu ở lĩnh vực đó.
- Mở rộng việc tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, coi đây là hình thức cơ bản; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số; đầu tư nâng cấp thiết bị, bảo đảm chất lượng đường truyền trong quá trình nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Linh hoạt kết hợp hình thức trực tuyến với nghiên cứu, học tập, quán triệt trực tiếp.
- Quan tâm chú ý đến việc hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu, cung cấp đầy đủ tài liệu cho cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cán bộ, đảng viên. Xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới từng chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ dàng học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Ứng dụng sách học tập nghị quyết điện tử, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên các báo, tạp chí lớn của Trung ương, qua internet, mạng xã hội, tạo điều kiện cho người học tiếp cận tài liệu nghiên cứu, học tập một cách thuận tiện, nhanh chóng.
- Bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; có trình độ chuyên sâu về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, truyền đạt có hiệu quả nội dung nghiên cứu, học tập, quán triệt.
- Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ. Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm; đề ra biện pháp khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, qua loa, đại khái; đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, từ năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Sao nhãng, chểnh mảng, xem nhẹ việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, nghị quyết nghĩa là không chịu trau đồi về lý luận cách mạng để nâng cao nhận thức, năng lực công tác cũng có thể ví như căn bệnh đối với cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục!
Bình luận của bạn