Sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn?

Thiết bị theo dõi giấc ngủ sẽ rất có ích nếu bạn muốn có một cái nhìn tổng quát về sức khỏe cơ thể và giấc ngủ của mình.

Làm thế nào để theo dõi giấc ngủ mỗi đêm?

6 ứng dụng theo dõi giấc ngủ hiệu quả nhất

Sự thật về công dụng của thiết bị theo dõi giấc ngủ

Thiết bị theo dõi giấc ngủ hoạt động như thế nào?

Không giống như các thiết bị nghiên cứu về giấc ngủ ghi lại hoạt động của não bộ tại phòng thí nghiệm, các thiết bị theo dõi giấc ngủ hiện nay trên thị trường đo các dấu hiệu như nhịp thở và cử động để cung cấp cái nhìn tổng quan về thói quen khi đi ngủ. Thiết bị theo dõi giấc ngủ được chia thành nhiều loại:

- Ứng dụng: Yêu cầu bạn nhập thông tin về giấc ngủ và các thói quen sinh hoạt khác.

- Thiết bị đeo: Nhẫn, vòng tay, đồng hồ,... theo dõi các chỉ số trực tiếp.

- Thiết bị không đeo: Đặt dưới đệm, gối,… thu thập dữ liệu từ môi trường ngủ.

Mỗi thiết bị đều cung cấp thông tin về thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ và các giai đoạn ngủ. Một số thiết bị cũng có thể cho bạn biết về môi trường ngủ (tiếng ồn, nhiệt độ trong phòng).

Nhiều thiết bị đeo sử dụng phương pháp được gọi là đo thể tích mạch máu ngoại biên (photoplethysmography - PPG), bao gồm chiếu tia sáng vào các mạch máu để ước tính thời gian giữa mỗi nhịp tim. Ngoài ra, các thiết bị thường có máy đo gia tốc hoặc con quay hồi chuyển để phát hiện chuyển động, giúp xác định vị trí của thiết bị.

Thiết bị theo dõi giấc ngủ có chính xác không?

Các chuyên gia đều khẳng định thiết bị theo dõi giấc ngủ hoạt động hiệu quả trong việc đo thời gian ngủ.

Theo Tiến sĩ Michael Grandner, chuyên gia tâm lý lâm sàng và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Giấc ngủ và Sức khỏe tại Đại học Arizona (Mỹ), nhiều thiết bị trên thị trường có thể ước tính chính xác lượng giấc ngủ của bạn.

Một nghiên cứu so sánh năm thiết bị theo dõi giấc ngủ thương mại với các phương pháp đo chuyên sâu (đo hoạt động cơ thể, sóng não, hô hấp, nhịp tim) đã cho thấy kết quả khả quan trong việc xác định thời gian ngủ của 34 người khỏe mạnh.

Tuy nhiên, Bác sĩ Daniel A. Combs, chuyên gia y học và nhi khoa tại Đại học Arizona (Mỹ), lại cho rằng các thiết bị này thường không cung cấp thông tin đáng tin cậy về thời gian dành cho từng giai đoạn ngủ, ví dụ như giấc ngủ REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh). Các chuyên gia cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính chính xác của các lời khuyên mà thiết bị cung cấp.

Lợi ích của thiết bị theo dõi giấc ngủ là gì?

Theo Tiến sĩ Massimiliano de Zambotti, nhà nghiên cứu về giấc ngủ tại SRI International (Menlo Park, California, Mỹ), các nghiên cứu về lợi ích của thiết bị theo dõi giấc ngủ tuy còn hạn chế nhưng cho thấy tiềm năng nhất định của chúng.

Kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Y học Giấc ngủ Mỹ cũng củng cố quan điểm này. 77% người sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ đánh giá thiết bị hữu ích và 68% đã thay đổi thói quen ngủ sau khi sử dụng.

Ông de Zambotti giải thích rằng thiết bị theo dõi giấc ngủ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về thói quen ngủ của bản thân, từ đó có thể điều chỉnh dựa trên dữ liệu được cung cấp.

Ví dụ, nếu dữ liệu cho thấy bạn thường thức dậy nhiều lần trong đêm, bạn có thể thử thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế sử dụng caffeine trước khi ngủ, tạo môi trường ngủ thoải mái hơn, hoặc tập thể dục thường xuyên.

Tuy nhiên, de Zambotti cũng cảnh báo rằng người dùng không nên tự giải thích dữ liệu hoặc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu mà không có hướng dẫn phù hợp. Dữ liệu từ thiết bị theo dõi giấc ngủ có thể phức tạp và khó hiểu đối với người dùng không chuyên môn. Vì vậy việc tự giải thích dữ liệu có thể dẫn đến hiểu sai và đưa ra quyết định không phù hợp, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Ai nên sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ?

Theo các chuyên gia, việc sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ có phù hợp với bạn hay không phụ thuộc vào tính cách và thái độ của bạn đối với giấc ngủ. Đối với một số người, sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ có thể dẫn đến hiện tượng "orthosomnia", tức là ám ảnh không lành mạnh về việc phải có một giấc ngủ hoàn hảo.

Tiến sĩ Joshua Tal, nhà tâm lý học lâm sàng tại New York (Mỹ), chia sẻ: "Tôi thường thấy điều này ở các bệnh nhân bị mất ngủ. Thiết bị theo dõi giấc ngủ cuối cùng lại gây ra thêm lo lắng vì người dùng quá bận tâm đạt được các mức độ ngủ sâu nhất định hoặc duy trì sự liên tục của giấc ngủ. Áp lực ngủ thêm này phản tác, khiến cho các đêm ngủ trở nên bồn chồn hơn."

Do đó, Tiến sĩ Tal không khuyến khích sử dụng thiết bị theo dõi giấc ngủ cho những người có mức độ lo lắng cao về thói quen ngủ của mình. Thay vào đó, thiết bị này phù hợp với những người quan tâm đến sức khỏe, có động lực để thay đổi cuộc sống, có thể chấp nhận những sai sót và hiểu mục tiêu tổng thể là hướng đến sức khỏe chứ không phải “thành công”.

 
Việt An (Theo Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp