Những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày

3 thực phẩm tốt cho trí não, ngăn ngừa sa sút trí tuệ

Những hoạt động bổ ích giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Người cao tuổi có thể gặp nguy hiểm vì sống một mình

Lý giải chứng đãng trí ở người trẻ

1. Những thay đổi nhẹ về trí nhớ ngắn hạn

Khó khăn về ghi nhớ có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh sa sút trí tuệ. Những thay đổi này thường tinh tế và liên quan đến trí nhớ ngắn hạn. Ví dụ, một người mắc sa sút trí tuệ có thể nhớ được những sự kiện diễn ra nhiều năm trước nhưng lại không nhớ mình đã ăn gì vào bữa sáng.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp những thay đổi khác về trí nhớ ngắn hạn, bao gồm:

- Không nhớ vị trí đồ vật: Ví dụ, họ thường xuyên không nhớ mình đã đặt chìa khóa xe hay điện thoại ở đâu.

- Gặp khó khăn trong việc nhớ lại lý do họ bước vào một căn phòng cụ thể: Họ có thể bước vào phòng bếp để lấy một thứ gì đó, nhưng sau đó lại quên mất mình muốn lấy gì.

- Quên những việc cần làm trong ngày: Họ có thể lập danh sách những việc cần làm, nhưng sau đó lại quên mất những gì đã ghi trong danh sách.

- Khó khăn trong việc hoàn thành một nhiệm vụ đã bắt đầu: Ví dụ, họ có thể bắt đầu nấu ăn nhưng sau đó lại quên tắt bếp.

2. Khó khăn trong việc tìm từ ngữ chính xác

Bên cạnh những thay đổi về trí nhớ ngắn hạn, người mắc sa sút trí tuệ còn gặp khó khăn trong việc truyền đạt suy nghĩ. Họ thường gặp khó khăn khi giải thích điều gì đó hoặc tìm ra từ ngữ chính xác để diễn đạt bản thân. Ví dụ, họ có thể nói "Tôi muốn nói điều gì đó, nhưng tôi không nhớ từ đó là gì".

Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi một cuộc trò chuyện và có thể đột nhiên quên mất mình đang nói gì. Điều này có thể khiến họ bực bội và lo lắng.

Việc trò chuyện với người mắc sa sút trí tuệ có thể trở nên khó khăn. Họ có thể cần nhiều thời gian hơn bình thường để suy nghĩ và tìm ra từ ngữ phù hợp. Do đó, hãy kiên nhẫn và cho họ thời gian để bày tỏ suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình.

3. Thay đổi về tâm trạng

Bên cạnh những thay đổi về trí nhớ và khả năng ngôn ngữ, người mắc sa sút trí tuệ còn có thể gặp nhiều thay đổi về tâm trạng. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người bệnh và những người xung quanh. Dấu hiệu phổ biến của thay đổi tâm trạng bao gồm: Trầm cảm, lo lắng, dễ bực bội…

Cùng với thay đổi tâm trạng, người bệnh cũng có thể có thay đổi về tính cách. Ví dụ, người vốn vui vẻ, hoạt bát có thể trở nên ít nói, thu mình; người vốn cẩn thận, tỉ mỉ có thể trở nên lơ là, thiếu tập trung.

4. Mất hứng thú

Mất hứng thú hoặc thờ ơ là một triệu chứng thường gặp của sa sút trí tuệ giai đoạn đầu. Người bệnh có thể mất hứng thú với các sở thích hoặc hoạt động mà họ từng yêu thích. Họ có thể không còn muốn ra ngoài nữa hoặc không còn cảm thấy vui vẻ. Ngoài ra, họ có thể mất hứng thú dành thời gian cho bạn bè và gia đình, đồng thời có vẻ mặt uể oải về mặt cảm xúc.

5. Khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ

Gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày cũng là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh sa sút trí tuệ. Ban đầu, họ chỉ gặp khó khăn với những nhiệm vụ phức tạp, chẳng hạn như quản lý hóa đơn, theo dõi công thức nấu ăn hoặc chơi trò chơi có nhiều luật lệ. Tuy nhiên, về sau, họ có thể gặp khó khăn ngay cả với những việc đơn giản như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa hoặc tắm rửa.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp khó khăn trong việc học hỏi những điều mới hoặc tuân theo các thói quen mới. Ví dụ, họ có thể không nhớ được cách sử dụng một thiết bị mới hoặc không thể học một bài hát mới.

6. Bối rối

Một người trong giai đoạn đầu của sa sút trí tuệ thường xuyên bị lú lẫn. Họ có thể gặp khó khăn trong việc nhớ mặt người, biết hôm nay là ngày nào, tháng nào hoặc không định hướng được vị trí của mình.

Sự lú lẫn có thể xảy ra vì nhiều lý do và áp dụng cho các tình huống khác nhau. Ví dụ, họ có thể quên đặt chìa khóa xe ở đâu, quên việc tiếp theo trong ngày hoặc khó nhớ một người mới gặp gần đây.

7. Khó theo dõi mạch câu chuyện

Khó theo dõi mạch câu chuyện là một triệu chứng điển hình của chứng mất trí nhớ giai đoạn đầu. Người mắc sa sút trí tuệ thường quên ý nghĩa của những từ họ nghe thấy hoặc gặp khó khăn trong việc theo dõi các cuộc trò chuyện hay chương trình truyền hình.

8. Giảm khả năng định hướng

Khả năng định hướng và nhận thức không gian của một người có thể bắt đầu suy giảm khi mắc sa sút trí tuệ. Họ có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra các địa danh quen thuộc và quên cách đi đến những nơi từng rất thân thuộc. Ngoài ra, việc tuân theo một loạt chỉ dẫn và hướng dẫn từng bước cũng có thể trở nên khó khăn hơn.

9. Lặp lại

Người bệnh có thể lặp lại các công việc hàng ngày, chẳng hạn như cạo râu hoặc tắm, hoặc họ có thể sưu tầm đồ đạc một cách ám ảnh. Họ có thể lặp lại cùng một câu hỏi trong cuộc trò chuyện hoặc kể cùng một câu chuyện nhiều lần.

10. Suy giảm khả năng phán đoán

Một dấu hiệu khác của sa sút trí tuệ là mất khả năng đưa ra quyết định sáng suốt. Chẳng hạn, người mắc sa sút trí tuệ có thể không thể nhận ra những tình huống nguy hiểm. Họ có thể cố gắng băng qua đường đông đúc mà không đợi đến khi an toàn.

Khi nào người bệnh cần đi kiểm tra?

Hay quên và các vấn đề về trí nhớ không đồng nghĩa với việc bạn mắc bệnh sa sút trí tuệ. Những lỗ hổng trong trí nhớ là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và cũng có thể xảy ra do các yếu tố khác, chẳng hạn như: Mệt mỏi; thiếu tập trung; làm nhiều việc cùng một lúc; thiếu hụt một số chất dinh dưỡng;…

Tuy nhiên, nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng liên quan đến trí nhớ không cải thiện hoặc ngày càng tồi tệ hơn, hãy đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Mặc dù sa sút trí tuệ phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi, nhưng trong một số trường hợp, nó cũng có thể ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi 30, 40 hoặc 50.

Với việc điều trị và chẩn đoán sớm, bạn có thể làm chậm quá trình tiến triển của sa sút trí tuệ và duy trì chức năng não lâu hơn.

 
Việt An (Theo Healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già