Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh đông cứng khớp vai chưa được biết rõ, một số yếu tố được coi là nguy cơ dẫn đến bệnh này gồm: Bệnh thường gặp trên khoảng 10 - 20% bệnh nhân đái tháo đường. Những người mắc các bệnh lý khác như: bệnh lý nhược giáp, cường giáp, Parkinson và bệnh lý tim mạch cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Bệnh có thể xảy ra ở bệnh nhân không cử động vai một thời gian sau phẫu thuật, gãy xương hay các chấn thương khác ở vùng vai.
Triệu chứng
Tùy nguyên nhân mà mỗi người đau mỗi khác, có người chỉ đau khi giơ tay quá mức, có người bị đau âm ỉ…
Một số phụ nữ cảm thấy khó khăn khi gài dây áo ngực, khi nằm xuống giường làm động tác vươn thẳng hai tay… Nếu không được điều trị, bệnh ngày càng nặng, cơn đau xảy ra thường xuyên hơn và không dừng ở bả vai mà lan sang cổ, xuống cùi chỏ…
Điều trị thế nào?
Bệnh đông cứng khớp vai thường cải thiện dần dần. Việc điều trị không cần phẫu thuật. 90% bệnh nhân hết đau và cải thiện vận động khớp vai nhờ điều trị kháng viêm bằng thuốc uống hay tiêm corticoid; phục hồi vận động bằng tập kéo giãn bao khớp-stretching; và tập mạnh sức cơ vai, tập vật lý trị liệu, siêu âm giảm viêm… Tuy nhiên việc điều trị phải theo y lệnh của bác sĩ.
Nếu điều trị với những biện pháp trên trong ba tháng mà không cải thiện, phẫu thuật nội soi khớp vai giải phóng bao khớp viêm dính là phương pháp tối ưu. Bệnh nhân sau mổ sẽ giảm đau nhiều và có thể tập vận động, cải thiện nhanh tình trạng cứng khớp. Bệnh này có thể tái phát, đặc biệt là ở những bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát tốt đường huyết.
Những điều không nên làm
Không tự ý dùng thuốc giảm đau. Vì dùng thuốc giảm đau chỉ che lấp triệu chứng còn căn nguyên của bệnh thì vẫn vậy nên bệnh càng trầm trọng hơn. Chưa kể, tác dụng phụ của thuốc giảm đau sẽ là cơ hội gây bệnh gan, thận.
Không dùng dầu nóng để xoa bóp cho đỡ đau. Điều này là nguy hiểm bởi vì khi bôi dầu nóng cùng với các động tác xoa bóp mạnh sẽ làm cho bao khớp co rút nhiều. Càng xoa bóp, kéo nắn càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Bình luận của bạn