BVĐK Trung ương Cần Thơ nhận chuẩn chất lượng vàng

Cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là một trong những cấp cứu khẩn cấp chạy đua với thời gian để tái thông mạch máu bị tắc.

Ấm lòng "Chợ Tết yêu thương" đặc biệt tại Bệnh viện Bạch Mai

Người bệnh ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được chẩn đoán hình ảnh không in phim

Dấu hiệu viêm khớp ngón tay và sự ra đời của robot xét nghiệm viêm khớp

Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về dinh dưỡng cho người bị mắc sa sút trí tuệ

Thanh Hóa: Cứu sống bệnh nhân 5 lần ngưng tim, ngưng thở

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa cứu sống một nam bệnh nhân 5 lần ngưng tim, ngưng thở, có nguy cơ tử vong rất cao do tắc động mạch vành. Được biết bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng điều trị các bệnh lý về tim mạch hay huyết áp.

Khi vào phòng can thiệp tim mạch, bệnh nhân bất ngờ lên cơn đau tức ngực dữ dội, mất ý thức, mạch và huyết áp không đo được. Ngay lập tức các bác sỹ thực hiện quy trình phản ứng nhanh hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân bắt đầu có mạch huyết áp, nhịp thở lại sau 5 phút cấp cứu.

Sau khi tiến hành chụp động mạch vành và phát hiện có huyết khối gây tắc động mạch, có chỉ định đặt stent. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân liên tiếp ngưng tim, ngưng thở thêm 4 lần và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.

ThS.BS Lê Thế Anh - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp rất hy hữu đã được cứu sống một cách ngoạn mục vì chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút kể từ khi vào viện, bệnh nhân có đến 5 lần ngưng tim, ngưng thở ngay cả trong lúc can thiệp.

Rất may là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ các trang thiết bị can thiệp, đội ngũ các bác sỹ có trình độ chuyên môn vững, phản ứng nhanh, chẩn đoán chính xác cũng như phối hợp cấp cứu khẩn cấp giữa các chuyên khoa Nội tim mạch, can thiệp tim mạch và hồi sức tích cực một cách nhịp nhàng nên đã kịp thời cứu sống người bệnh. Sau 5 ngày can thiệp, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhận tin vui từ Hội Đột quỵ Châu Âu

Bệnh nhân đột quỵ được can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đột quỵ được can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa được nhận Chứng nhận chuẩn chất lượng vàng từ Hội Đột quỵ Châu Âu. Để đạt được chứng nhận này, bệnh viện phải đáp ứng được 8 tiêu chí nghiêm ngặt, trong đó có: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trước 60 phút và trước 45 phút; Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được bắt đầu can thiệp mạch máu não trước 120 phút và trước 90 phút…

Trong năm 2022, Bệnh viện đã sử dụng liệu pháp tiêu sợi huyết cho khoảng 100 bệnh nhân và liệu pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học khoảng 135 bệnh nhân. Nhằm nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ, bệnh viện có kế hoạch mở rộng Khoa Đột quỵ và thành lập Trung tâm Đột quỵ để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phẫu thuật thành công cho bé gái 3 tuổi mắc bệnh lý xoắn dạ dày

Ekip bác sỹ phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 3 tuổi - Ảnh: BVCC

Ekip bác sỹ phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 3 tuổi - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật thành công một trường hợp xoắn dạ dày theo trục tạng rất nguy hiểm và hiếm gặp bằng phương pháp nội soi ổ bụng cho bé gái 3 tuổi trú tại Hà Nội.

Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhi xuất hiện tình trạng đau bụng từng cơn dữ dội vùng thượng vị kèm nôn khan. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán rối loạn tiêu hoá, điều trị nhưng các triệu chứng không cải thiện.

Ngay sau đó, trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, chẩn đoán bị tắc ruột, dạ dày giãn to, nghi ngờ do xoắn dạ dày và chỉ định mổ cấp cứu. Ca mổ phát hiện dạ dày của trẻ xoắn 180 độ quanh trục tạng, dạ dày xoay dọc theo trục dài và bị tắc, bờ cong lớn bị đẩy lên trên và bờ cong nhỏ nằm xuống dưới hơn trong ổ bụng.

Các bác sỹ đã khẩn trương tháo xoắn và khâu cố định dạ dày vào thành bụng để tránh hiện tượng tái xoắn sau này. Sau gần hai giờ phẫu thuật, trẻ đã có thể rút ống nội khí quản, tự thở hoàn toàn. Triệu chứng giảm rõ rệt vào ngày thứ 2 sau phẫu thuật, trẻ hết đau bụng, ăn được sữa và đi ngoài bình thường. Trẻ xuất viện vào ngày thứ 4 sau phẫu thuật.

Xoắn dạ dày là một bệnh lý rất hiếm gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trên 12 tháng tuổi và không kèm các bệnh lý khác. Bệnh nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể gây thiếu máu dạ dày, dẫn đến thủng, hoại tử toàn bộ dạ dày, thậm chí gây tử vong.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn