Béo phì - mối nguy bách bệnh

Trẻ cần được tăng cường vận động để tránh thừa cân - béo phì.

Cứ 10 người, có 3 người béo phì

GS-TS Lê Thị Hợp (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) nhận xét: thực trạng thừa cân béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến người trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM là 27,9%. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã gia tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 10,7% (năm 2010) và tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009). Như vậy, tính ra cứ 10 người trưởng thành và học sinh phổ thông đã có xấp xỉ 3 người bị thừa cân béo phì.

Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại trước thực trạng thừa cân béo phì gia tăng nhanh trong các năm qua và đều hướng về các nguyên nhân cơ bản là dinh dưỡng không hợp lý cũng như hoạt động thể lực đang bị giảm sút nghiêm trọng ở mỗi gia đình cũng như ở nhà trường hay công sở. Theo BS Tăng Kim Hồng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, qua nghiên cứu tình trạng thừa cân béo phì ở học sinh cấp 2 tại TPHCM cho thấy, nguy cơ trẻ thừa cân béo phì do xem ti vi và chơi game trên 3 giờ/ngày cao hơn gần 3 lần so với trẻ không chơi game, xem ti vi hoặc chơi và xem ít hơn 3 giờ/ngày. Ngược lại, trẻ thường xuyên vận động hay ăn trái cây và rau quả sẽ giảm 70% nguy cơ thừa cân béo phì so với trẻ không ăn hoặc ít ăn hoặc lười vận động. BS Hồng cũng thừa nhận với môi trường học tập thiếu không gian vận động, trang thiết bị công nghệ gia đình hiện đại đang khiến học sinh ít vận động hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng học sinh hiện rất lười vận động và tập thể dục. Hầu hết các em nhỏ 4-9 tuổi bị thừa cân béo phì mất đến 2 giờ mỗi ngày không vận động gì và tiêu thụ năng lượng cao hơn khuyến nghị. Trong khi học sinh ở tuổi vị thành niên giảm 38% hoạt động thể lực mỗi năm.

Ngay cả trẻ mầm non thừa cân béo phì cũng đang là nỗi băn khoăn cho sức khỏe của thế hệ tương lai. Nghiên cứu của cử nhân Mai Thị Mỹ Thiện (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) và cộng sự về thừa cân béo phì ở trẻ mầm non cho thấy 47% trẻ mầm non ở nội thành bị thừa cân béo phì do hầu hết đều thuộc gia đình khá giả, ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng và chất béo. Trong khi, một thực trạng đáng buồn là qua nghiên cứu về nguồn nhân lực của cán bộ phụ trách việc cung cấp bữa ăn trưa tại các trường bán trú cho học sinh tiểu học, mầm non cho thấy hầu hết các nhân viên quản lý bếp ăn đều chưa được đào tạo chuyên môn về dinh dưỡng, thực phẩm

Đối mặt nhiều mầm bệnh

Thừa cân béo phì sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là rối loạn chuyển hóa, tiền đề của các căn bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do chế độ ăn dư thừa năng lượng, chất béo, đường chuyển hóa nhanh và giảm hoạt động thể lực. TS-BS Phan Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết hội chứng chuyển hóa của người trưởng thành ở TPHCM gia tăng đột biến, nhất là bệnh đái tháo đường có nguyên nhân từ thừa cân béo phì. Nghiên cứu từ 674 người có chỉ số khối cơ thể bình thường năm 2012 cho thấy 17,5% bị thừa cân béo phì; 29,3% bị tăng huyết áp; 77,8% bị rối loạn chuyển hóa lipid và 35,6% rối loạn chuyển hóa đường. Mặt khác, tuổi béo phì và mắc các rối loạn chuyển hóa đang ngày càng trẻ hóa. Theo TS Bình, người dân TPHCM dễ mắc các rối loạn chuyển hóa từ lúc chỉ số khối cơ thể (cân nặng, chiều cao, vòng eo…) trong giới hạn bình thường và khi còn rất trẻ. Cũng với nghiên cứu này, TS Bình cho biết có tới 68,1% người trưởng thành ở độ tuổi 30-39 có chỉ số cơ thể bình thường bị rối loạn chuyển hóa lipid. “Đây là cảnh báo quan trọng về gánh nặng bệnh tật, tài chính, cơ sở vật chất cho điều trị bệnh lý và biến chứng có liên quan cho không chỉ cá nhân người bệnh, ngành y mà toàn xã hội”, TS Bình khuyến cáo.

Qua nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy số người thừa cân béo phì ở mức độ giới hạn bình thường, trong độ tuổi từ 30 - 49 thì 25% trường hợp bị mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Trong khi tỷ lệ này ở nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên gần 40%. “Kiểm soát thừa cân béo phì không chỉ có ý nghĩa đối với sức khỏe mỗi cá nhân mà còn góp phần quan trọng khống chế các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm, giảm quá tải cho hệ thống y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm nguồn ngân sách để điều trị các bệnh lý và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng giống nòi”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyến cáo.

Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh mạn tính không lây nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, ung thư… Trên toàn thế giới hiện nay có 1,7 tỷ người bị thừa cân béo phì. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 2,8 triệu ca tử vong do thừa cân béo phì. Thừa cân béo phì đã tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2000 đến nay. Số người bị thừa cân béo phì sống ở các nước đang phát triển hiện đã nhiều hơn tại các nước phát triển. Số lượng trẻ em bị thừa cân béo phì ngày càng gia tăng và đã có 43 triệu trẻ em thừa cân béo phì trên toàn thế giới.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ