Biến chứng y khoa có phải do thầy thuốc cẩu thả?

Gout – Nguy hiểm khi biến chứng

"Giám định y khoa là nhiệm vụ chuyên môn mang tính xã hội cao"

5 xét nghiệm y khoa mới có lợi cho người trung - cao tuổi

Ứng dụng mới của Google trong thực tập Y khoa

Thoái hóa khớp gối - gánh nặng y khoa

Bao nhiêu câu chuyện đau lòng xảy ra xung quanh các biến chứng y khoa. Mặc dầu vậy, biến chứng y khoa vẫn luôn là một đề tài nhạy cảm mà ít người, từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, có thể sẵn sàng thẳng thắn đối mặt với nó.

Có nhiều dạng biến chứng y khoa, biến chứng do cơ địa, biến chứng do khả năng của khoa học, do hạn chế về tay nghề, về kĩ năng của người thầy thuốc, hoặc do sai sót y khoa, biến chứng do sự không tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Các biến chứng do cơ địa thường thấy là phản ứng thuốc, sốc phản vệ,… Những biến chứng loại này không bắt nguồn từ sai sót chuyên môn y khoa nhưng lại hay được đổ lỗi cho nhân viên y tế. Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc thử test không có mấy tác dụng nhưng hiện nay đa số nhân viên y tế vẫn thử test đối với thuốc tiêm. Việc thử test không nhằm mục đích ngăn chặn biến chứng mà chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ cho nhân viên y tế không bị mang tiếng là tắc trách.

Một trong các biến chứng rất đáng sợ do việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân là việc kháng thuốc. Đối với một số loại kháng sinh, đặc biệt là thuốc điều trị lao, việc không tuân thủ điều trị tạo ra một dòng vi khuẩn kháng thuốc, mang lại sự nguy hiểm cho bản thân người bệnh và cho cả cộng đồng. Đây là loại biến chứng y khoa có tác hại rất lớn nhưng lại ít thấy dư luận phản ứng, cũng chẳng có thầy thuốc nào kiện bệnh nhân vì không tuân thủ điều trị cả. Đồng thời, vì tính nhân đạo mà luật pháp cũng chẳng có điều khoản nào chế tài những người không chịu tuân thủ quy trình điều trị do thầy thuốc đề ra.

Ảnh: SGTT
Ảnh minh họa: SGTT

Những biến chứng do hạn chế về trình độ y học ví dụ như xạ trị có thể gây ra biến chứng tạo u ung thư mới, hủy hoại các tế bào lành, hoặc can thiệp vào lòng mạch lấy cục máu đông có thể xảy ra co thắt mạch hoặc tắc mạch do cục máu đông, hoặc mảng xơ vữa bể ra trôi đến vị trí mới và tắc mạch ở chỗ mới… cũng làm cho nhiều bác sĩ dở khóc dở mếu khi bị bệnh nhân và thân nhân cho rằng do bác sĩ tắc trách.

Biến chứng do sai sót chuyên môn y khoa là biến chứng dễ đưa các thầy thuốc vào trạng thái u uất nhất. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng cần phải phân biệt biến chứng do cẩu thả, do sự không tuân thủ qui trình khám chữa bệnh của nhân viên y tế hay biến chứng do sự hạn chế về mặt kĩ năng của người thầy thuốc. Trên thực tế, ngay cả khi đã hết sức cẩn thận, qui trình rất chuẩn nhưng vẫn có thể xảy ra những biến chứng do sự hạn chế về tay nghề, hạn chế về kĩ năng của người thầy thuốc.

Đứng trước một biến chứng y khoa, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận nói chung thường nghĩ ngay đến sự cẩu thả của các thầy thuốc. Điều này cũng dễ hiểu vì đa số người dân cho rằng các thầy thuốc được đào tạo bài bản, làm sao mà có thể sai sót khi đã cẩn thận, khi làm đúng qui trình. Tôi sẽ đi sâu vào vấn đề sai sót y khoa trong một bài khác.

Để tránh được các căng thẳng của người bệnh và dư luận khi biến chứng y khoa xảy ra, các thầy thuốc cần giải thích thật rõ cho người bệnh những vấn đề có thể xảy ra trước khi áp dụng một biện pháp khám chữa bệnh nào đó. Sai lầm lớn nhất của các thầy thuốc nằm ở chỗ cứ nghĩ rằng người bệnh đã hiểu hết các vấn đề, dẫn đến việc giải thích qua loa. Đặc biệt, các thầy thuốc cần rèn luyện kĩ năng giải thích, từ ngữ, câu chữ cần được trình bày một cách dễ hiểu, để người bệnh có thể nắm chắc được cơ hội hết bệnh cũng như nguy cơ của biến chứng.

Về phía người bệnh, một sai lầm rất lớn là phó thác tính mạng của mình cho các thầy thuốc một cách quá dễ dãi, và luôn nuôi một niềm tin là người nhân nghĩa, phúc hậu như vậy điều trị cho mình thì làm sao mà có biến chứng được. Như đã trình bày ở trên, đa số các biến chứng y khoa không phụ thuộc vào sự tốt xấu của thầy thuốc mà phụ thuộc vào các yếu tố ngoài khả năng của người thầy thuốc.

Bất cứ một phương pháp chẩn đoán hay điều trị nào cũng có tính hai mặt của nó. Không bao giờ có một phương pháp chẩn đoán hay điều trị an toàn tuyệt đối cả. Người bệnh cần hiểu điều này, và cần tự mình tìm hiểu. Khi còn nghi ngại, cần hỏi thẳng bác sĩ, nếu cần có thể trao đổi đến cùng. Kinh nghiệm của tôi cho thấy với những người bệnh có vẻ “khó chịu”, trao đổi kĩ lưỡng về biến chứng trước khi thực hiện, khi xảy ra biến chứng họ bình tĩnh hơn, dễ chấp nhận các điều trị khắc phục hậu quả biến chứng hơn những người trước đó xuề xòa và đặt hết niềm tin vào thầy thuốc.

Thái độ của giới truyền thông với các biến chứng y khoa góp phần không nhỏ vào thái độ chung của xã hội, của người dân đối với biến chứng y khoa và với các thầy thuốc. Loại trừ một số nhà báo vì những lí do nào đó cố tình viết sai sự thật, một số nhà báo khác bị các thành kiến xã hội chi phối hoặc tiếp cận thông tin từ một phía, dẫn đến thiếu khách quan khi đưa tin. Trong sự việc liên quan tới trường hợp khiếu kiện của tôi vừa qua, có một số nhà báo mà tôi biết là không cố tình viết sai sự thật, nhưng vì tiếp nhận thông tin từ một nhóm định kiến, và cũng chỉ tiếp nhận thông tin từ đó, nên đã có những nhận định sai mà chỉ cần họ tiếp cận với tôi là sẽ có ngay những thông tin khác mà nhóm định kiến không đưa ra.

Giới truyền thông cần có một cái nhìn khách quan hơn. Các bạn có thể thương cảm, đau xót cho những người bệnh chịu biến chứng y khoa thì các bạn cũng cần phải hiểu cho những gì người thầy thuốc phải chịu đựng khi xảy ra biến chứng y khoa. Bản thân tôi đã từng có lúc bỏ công việc, bỏ bệnh viện, bỏ phòng mạch, bỏ nhà cửa vợ con, lang thang vô định. Đã có những bác sĩ thuộc hàng cực kì quí hiếm ở Việt Nam có ý định bỏ nghề chỉ vì những biến chứng y khoa mà họ là người tham gia vào quá trình điều trị chứ không phải là do sai sót chuyên môn của họ gây ra.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn (SKĐS)

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng