Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh minh họa: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.
WHO: Tiến bộ y tế thế giới chững lại sau đại dịch COVID-19
COVID-19 tăng trở lại tại nhiều nước Châu Á, Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch
Trung Quốc phát hiện virus mới ở dơi có thể lây sang người như COVID-19
Nghiên cứu mới: COVID-19 kéo dài ảnh hưởng trầm trọng hơn ở người trẻ
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan... Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành nhưng chưa có trường hợp tử vong.
Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến dịch bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc, y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh. Theo đó, Cục đề nghị lãnh đạo các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc Sở Y tế các địa phương và thủ trưởng các đơn vị y tế khẩn trương cập nhật và rà soát kế hoạch tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo các kịch bản dự báo. Cần tránh tình trạng bị động, bất ngờ trong công tác ứng phó.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu vực cách ly, trang thiết bị và vật tư y tế để phục vụ công tác thu dung, chẩn đoán, điều trị cũng như kiểm soát nhiễm khuẩn.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng nhấn mạnh, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây lan, nhất là lây truyền qua đường hô hấp, nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch trong các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, cần bảo vệ nhóm bệnh nhân dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, cũng như các khoa hồi sức tích cực, tim mạch, lọc máu, phẫu thuật…
Ngoài ra, các bệnh viện cần quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, bố trí khoa phòng hợp lý, bảo đảm không gian điều trị thông thoáng, sạch sẽ, tạo điều kiện thuận lợi trong chăm sóc và phòng, chống dịch.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cách ly ca bệnh COVID-19 hiện nay được thực hiện thế nào?

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thời điểm dịch bùng phát năm 2021 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+
Từ ngày 19/10/2023, Bộ Y tế chính thức điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Điều này khẳng định COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao như trước, nên các biện pháp phòng chống được thực hiện theo quy định dành cho nhóm B, phù hợp với mức độ nguy cơ hiện nay.
Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm: A, B và C.
- Nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
- Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
- Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giám sát, phòng chống COVID-19, đối với ca bệnh COVID-19 đã được xác định và điều trị nội trú, cần được quản lý điều trị; phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh.
Đối với ca bệnh COVID-19 điều trị ngoại trú cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm như sau:
- Người mắc COVID-19 phải đeo khẩu trang. Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn.
- Giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.
- Người nghi ngờ mắc COVID-19, cần tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hoặc khi ra khỏi nơi lưu trú; hạn chế tiếp xúc với người khác.
Bình luận của bạn