10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế trong năm 2021 - Ảnh: Minh họa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiệm vụ chiến lược, đột phá cho ngành Y tế
10 sự kiện y tế và phòng chống dịch nổi bật của Việt Nam năm 2020
2021 - Năm của các biến chủng SARS-CoV-2 và "cuộc đua" vaccine COVID-19
4 gương mặt nổi bật của thể thao Việt Nam 2021
1. Bùng phát đợt dịch thứ 4, diễn biến khó lường
Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính COVID-19 là nam lễ tân khách sạn tại Yên Bái. Giai đoạn đầu, dịch bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất kể từ khi COVID-19 xâm nhập.
Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23/12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước.
Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, nguy hiểm hơn các chủng trước, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân. TP.HCM đã trở thành "tâm dịch" của Việt Nam trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Sau 5 tháng chống dịch "khốc liệt", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Việt Nam đã vượt qua giai đoạn đen tối với sự hy sinh của người dân, lực lượng y tế lớn không kể xiết". Quá trình dài giãn cách xã hội nghiêm ngặt cũng khiến "đầu tàu" kinh tế phía Nam tổn thương nặng nề.
2. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Ngày 8/3, sau hơn một năm dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, với mục tiêu phủ hai mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người. Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.
Chiến lược "ngoại giao vaccine" đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. "Từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị ngoại giao giữa tháng 12.
Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó mũi 1 là 76,6 triệu, mũi 2 là 64,8 triệu. Chứng nhận tiêm chủng COVID được cập nhật trên ứng dụng điện thoại như một loại giấy thông hành để người dân tham gia các hoạt động xã hội.
3. TP.HCM trải qua đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khốc liệt nhất kể từ đầu dịch
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, TP.HCM phát sinh những biến cố chưa từng có trong lịch sử: Tốc độ lây lan dịch bệnh quá nhanh, số ca tử vong tăng vọt, nhu cầu cần hỗ trợ của người dân về mọi mặt lớn nhất từ trước đến nay, TP.HCM chứng kiến số người dân di cư khỏi thành phố lớn nhất chưa từng có…
TP.HCM đã huy động tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, trong đó có hơn 80.000 cán bộ y tế. Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế. Nhu cầu được hỗ trợ, cung cấp thông tin của người dân tăng đột biến. Tổng đài 1022 phải mở rộng thành 7 kênh để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, tổng số lượng cuộc gọi trong thời gian 5 tháng dịch hơn 2,1 triệu cuộc gọi, cao điểm lên đến 120.000 cuộc gọi/ngày. Số cuộc gọi đến tổng đài 115 dã chiến giai đoạn cao điểm có ngày lên đến 6.000 cuộc.
Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp ứng phó phòng, chống dịch, đồng lòng thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng, chống dịch từ Trung ương đến cơ sở, cao điểm là tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng (từ ngày 23/8/2021 đến 15/9/2021), tình hình dịch đã từng bước được kiểm soát và khống chế.
Kể từ 1/10/2021, số ca tử vong giảm từ 3 con số mỗi ngày xuống còn 2 con số. Số ca mắc mới, số ca nặng, thở máy cũng giảm so với thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát.
4. Đợt huy động tổng lực về nhân sự ngành y tế lớn nhất trong lịch sử để hỗ trợ TP.HCM chống dịch
Trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua, ngành y tế TP.HCM đã huy động tổng lực nhân viên y tế toàn ngành từ công lập đến tư nhân ở mọi miền Tổ quốc, cho đến cán bộ y tế đã nghỉ hưu… tham gia các hoạt động chống dịch.
Trong đó huy động 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm, huy động 1.109 đội tiêm vaccine, thành lập 32 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô 42.798 giường) và chuyển đổi công năng 64 bệnh viện (với quy mô 17.062 giường).
Đặc biệt, ngành y tế được chi viện 23.748 nhân viên y tế từ 163 đoàn công tác đến từ các bộ, ngành và các tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, ngành y tế còn nhận được sự chi viện 5.656 người của lực lượng quân y đến tham gia các hoạt động chăm sóc F0 tại nhà thông qua loại hình trạm y tế lưu động.
Những sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng mang tính quyết định cho sự thành công của cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua.
5. Sự hy sinh, vất vả chưa từng có của đội ngũ y, bác sỹ và lực lượng tuyến đầu chống dịch
Năm 2021, có không biết bao nhiêu y, bác sĩ tuyến đầu đã cống hiến sức khỏe, trí tuệ, gạt bỏ hết những cái riêng để chiến đấu vì cái chung, cứu sống các bệnh nhân COVID-19.
Ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24.000 người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sỹ ra đi mãi mãi. Hơn 24.000 người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Nhiều tấm gương có thể kể đến như: Câu chuyện đám cưới lịch sử của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (BV Bạch Mai), bác sỹ Đình Hoàng (BV Hùng Vương, Phú Thọ) hoãn cưới để chống dịch; hay vợ chồng bác sỹ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (BV Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sỹ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như bác sỹ Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM…
6. Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 “made in Vietnam”
Trong năm 2021, Việt Nam đã có nhiều thành tựu nổi bật trong thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 "made in Vietnam". Trong đó, triển vọng lớn nhất hiện có 3 ứng viên bao gồm: Vaccine Nanocovax (Nanogen), vaccine COVIVAC (IVAC) và vaccine ARCT-154 (Vingroup).
Vaccine Nanocovax đã được thông qua báo cáo thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3 hồi tháng 9 vừa qua và tiếp tục được Hội đồng đạo đức đánh giá đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch hôm 16/12, nhà sản xuất cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp. Còn, vaccine COVIVAC đã được vượt qua 2 vòng đánh giá của Hội đồng đạo đức về độ an toàn và sinh miễn dịch, tuy nhiên, đến cuối năm 2021 thì quyết định tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 do khó khăn trong tìm tình nguyện viên.
Trong khi mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 hồi tháng 8, nhưng đến thời điểm này, ARCT-154 đã triển khai xong giai đoạn 2, tiêm xong giai đoạn 3a, và hiện đang tiêm thử nghiệm cho các tình nguyện viên giai đoạn 3b.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội
Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lần đầu trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Nhiều câu hỏi, sự kiện "nóng" về ngành y tế trong năm 2021 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, giải đáp tại nghị trường và được các ĐBQH đánh giá là rất thẳng thắn, ngắn gọn, hiệu quả.
Có thể kể đến một số vấn đề như: Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID -19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; Chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine; Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế....là các nội dung được tập trung chất vấn.
8. Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19
Lễ Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch COVID-19 lúc 20h30’ ngày 19/11/2021. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.
Đồng thời buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Buổi lễ đã diễn ra trong niềm xúc động mạnh mẽ, tạo được sự lan toả, đồng cảm lớn của toàn xã hội, là một hoạt động nhân văn, nghĩa tình của người Việt Nam.
9. Hàng loạt cán bộ ngành y vướng vòng lao lý
Năm 2021, ngành y tế liên tiếp "nóng" với các vụ việc lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, sở y tế, thậm chí có cả cán bộ cấp cục, cấp thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố.
Hàng loạt cán bộ ngành Y tế bị khởi tố, bắt tạm giam, có thể kể đến như: Nguyên Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị tạm giam vì bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy trình xét duyệt hồ sơ, cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng; Khởi tố, tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn; Khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ Bệnh viện Mắt TP.HCM; Bắt giam Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân; Khởi tố các cán bộ y tế liên quan đến vụ án "thổi giá" trang thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai... đa phần các vụ việc đều có điểm chung là vi phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị tại cơ sở.
Trước sự việc nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý liên quan tới đấu thầu, giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Nói về nguyên nhân, ông Long cho rằng, những vi phạm của một số cán bộ y tế thời gian qua có nhiều lý do nhưng trong đó có vấn đề cơ chế và lý do cá nhân.
10. Công ty Việt Á "thổi giá" kit test COVID-19
Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch bệnh COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID- 19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan,vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi.
Ngày 17/12, căn cứ tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Bình luận của bạn