Buôn lậu, hàng giả tại TP.HCM: Nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp

Lực lượng chức năng TP.HCM triệt phá thành công đường dây sản xuất tân dược giả năm 2022 - Ảnh: Chinhphu.vn

Đối phó với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Tại sao còn nhiều thuốc và mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng?

Vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng: Xử phạt không dễ!

Ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, trên địa bàn ghi nhận hàng loạt vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng (TPCN).

Năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện 701 vụ với tổng giá trị hàng vi phạm hơn 77 tỷ đồng. Còn trong 8 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận 492 vụ, trong đó có 5 vụ chuyển cơ quan điều tra Công an TP.HCM xử lý vi phạm. Tổng giá trị hàng vi phạm gần 32 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 đánh giá, thực trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó lường.

Trong lĩnh vực dược phẩm, các đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả tráo đổi “hàng nội” thành “hàng ngoại”; Lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để buôn lậu, thậm chí thay nhãn ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác.

Cũng có doanh nghiệp lợi dụng chính sách hải quan và cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh; Thành lập các công ty “ma” gây khó khăn cho công tác sàng lọc thông tin, kiểm tra.

Kho hàng của một xưởng sản xuất hàng giả đủ mặt hàng, nhãn hiệu sữa tắm, dầu gội và các loại mỹ phẩm tại TP.HCM - Ảnh: VTV

Kho hàng của một xưởng sản xuất hàng giả đủ mặt hàng, nhãn hiệu sữa tắm, dầu gội và các loại mỹ phẩm tại TP.HCM - Ảnh: VTV

Đặc biệt, với sự phổ biến của mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, việc kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trở thành thủ đoạn mới phổ biến. Các đối tượng lập nhiều tài khoản mạng xã hội và chạy quảng cáo, chụp ảnh sản phẩm bằng công nghệ, chỉ dẫn địa chỉ bán hàng chung chung, không rõ ràng.

Cũng bằng mạng xã hội, các đối tượng đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, TPCN không đúng với bản chất sự thật của hàng hóa. Kho chứa hàng lậu đặt tại nhà ở, chung cư, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Cùng với đó, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý.

“Vàng thau lẫn lộn”, khó kiểm tra, xử lý gian lận thương mại

Trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ngay từ bước đầu tiên là nhận diện, kiểm tra chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN.

Đơn cử, với thuốc giả, hoạt động sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi với mẫu mã, bao bì giống như hàng thật. Địa điểm kinh doanh của các cơ sở này thường không cố định, thường xuyên thay đổi. Mặt khác, các đối tượng sử dụng nhà ở, chung cư để sản xuất, cất giấu số lượng nhỏ; Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì không đủ để lấy mẫu kiểm tra chất lượng xác định thuốc thật, thuốc giả.

Với dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền, việc phân biệt, xác định nguồn gốc dược liệu nhập khẩu với dược liệu trong nước không hề dễ dàng. Một số cơ sở kinh doanh dược liệu có biểu hiện đối phó, nhập nhằng giấy phép giữa nguyên liệu làm TPCN và thực phẩm.

Tương tự, nhóm mặt hàng mỹ phẩm “giả” khi phát hiện, bắt giữ phải được giám định trước khi xử lý. Tuy nhiên, một số sản phẩm không có mẫu thật do không lưu hành tại Việt Nam, hoặc không có đại diện chủ sở hữu. Cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự, mà phải chuyển sang xử phạt hành chính. So với lợi nhuận lớn mà các đối tượng thu về khi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, biện pháp này không đủ mang tính răn đe, nhiều trường hợp tái phạm.

Các đối tượng lợi dụng website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để giới thiệu, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN vi phạm

Các đối tượng lợi dụng website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để giới thiệu, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN vi phạm

Kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như hiện nay cũng gây khó cho quá trình xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Đặc biệt, TP.HCM đông dân, địa bàn rộng, đối tượng chuyển việc kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả vào các căn nhà trong hẻm sâu, nhiều ngách hoặc trong các chung cư cao cấp. Việc phát hiện, kiểm tra và xử lý triệt để đều là thách thức lớn với lực lượng chức năng.

Trước những khó khăn trên, Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp như nâng cao công tác nghiệp vụ cho lực lượng chức năng để có đối sách đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng thông tin ngay cho cơ quan chức năng khi quyền lợi bị xâm phạm, khi phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu.

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý