Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chuyển đổi số để trở thành bệnh viện thông minh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ dự án chuyển đổi số tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Ảnh: BVCC

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023

Bộ trưởng Đào Hồng Lan là Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Y tế

Bộ Y tế: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình

Đơn vị tiên phong trong xu hướng chuyển đổi số

Ngày 23/12, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội nghị "Ứng dụng công nghệ thông tin trong y khoa và Tổng kết đề án khám, chữa bệnh từ xa năm 2023". Về phía Bộ Y tế, hội nghị có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, TS.BS. Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Ngoài ra, còn có lãnh đạo nhiều tỉnh và Sở Y tế nhiều địa phương, các bệnh viện trên địa bàn và bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BVĐHYHN) cùng tham dự hội nghị. Đây là cơ hội để lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo các tỉnh thành, lãnh đạo các bệnh viện, đối tác cùng nhìn lại thành quả chuyển đổi số và chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đánh giá Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là điểm sáng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế - Ảnh: Quỳnh Trang

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đánh giá Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là điểm sáng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế - Ảnh: Quỳnh Trang

Biểu dương các thành tích của BVĐHYHN, Thứ trưởng Lê Đức Luận phát biểu: "Với ngành y tế, chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu, dù sớm hay muộn chúng ta đều phải thực hiện. Nhưng nếu giám đốc bệnh viện, giám đốc Sở Y tế có tâm huyết, sự đam mê và trách nhiệm, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn."

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Bệnh viện sắp sửa được Bộ Y tế cấp phép cho sử dụng khoảng 1000 giường bệnh và đang có nhiều dự án sắp triển khai. Trong đó, chúng tôi tự hào nhất về dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh."  

Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện đã bắt đầu thay đổi phần mềm và xây dựng Đề án Bệnh viện thông minh. Sau 6 năm triển khai, hiện Bệnh viện có hệ sinh thái số đồng bộ để quản lý 100% người bệnh, quản lý xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bệnh án điện tử, khám bệnh từ xa (Telehealth) và quản lý hồ sơ sức khỏe

Những ứng dụng và lợi ích thiết thực nhờ chuyển đổi số và khám chữa bệnh từ xa (KCB từ xa)

PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh

PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh

Báo cáo về kết quả chuyển đổi số và KCB từ xa, PGS.TS. Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, nhân viên y tế có thể tăng hiệu suất công việc, giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị tốt hơn, giảm thiểu sai sót…

Đến năm 2023, BV đã triển khai 100% bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử. Ứng dụng My HMUH của BV có hơn 147.000 bệnh nhân sử dụng, với hơn 21.000 lượt đặt lịch khám qua ứng dụng. Bệnh nhân có thể xem kết quả khám, đồng thời gọi điện cho bác sĩ qua ứng dụng. "Trước đây, người bệnh có khi phải đi vài trăm km quay ngược lại Hà Nội chỉ để hỏi về một thay đổi nhỏ trong đơn thuốc. Nhưng hiện nay, việc tư vấn qua ứng dụng giúp ích rất nhiều cho người bệnh", BS Thành chia sẻ.

Riêng trong chuyên ngành Giải phẫu bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp các bác sĩ tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo quản mẫu lâu dài. Báo cáo tại hội nghị, TS.BS. Trần Ngọc Minh – khoa Giải phẫu bệnh, BVĐHYHN cho biết: "Bệnh viện đã ứng dụng giải phẫu bệnh từ xa (telepathology) vào một vài ca trong chương trình Telehealth hàng tuần. Ngoài ra, Bệnh viện hội chẩn thường xuyên với BVĐK tỉnh Bình Dương gần 1000 trường hợp từ 4/2022-11/2023."

Trong quá trình thực hiện Đề án KCB từ xa, BVĐHYHN liên kết với nhiều bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến cơ sở tại nhiều huyện vùng cao. Tại hội nghị, BSCKII Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh thông tin, từ năm 2020, bệnh viện đã triển khai hàng trăm cuộc hội chẩn trực tuyến, trong đó hình thức hội chẩn hồi sức cấp cứu (ICU) đã và đang mang lại hiệu quả cao và thiết thực nhất, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng.

Hiện BVĐHYHN tham gia mạng lưới KCB từ xa với hơn 200 cơ sở y tế tại Lào Cai, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Hà Giang…

Khó khăn khi chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Để đạt thành quả này, không thể không nhắc tới đam mê và quyết tâm của Ban lãnh đạo Bệnh viện và toàn thể đội ngũ y bác sĩ, nhân viên. Tuy nhiên, PGS.TS Đào Xuân Thành cũng ghi nhận nhiều thách thức từ kinh nghiệm chuyển đổi số của bệnh viện. Bên cạnh các rào cản về thủ tục hành chính, Bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhiều khi phải mua mới các phần mềm và máy móc, dẫn tới chi phí đầu tư ban đầu lớn và không phải đơn vị nào cũng có đủ khả năng. Phó Giám đốc BVĐHYHN chia sẻ: "Người lãnh đạo phải quyết tâm chuyển đổi hoàn toàn thì chúng ta mới có thay đổi được. Nhân lực y tế cần có trình độ, phải được đào tạo về công nghệ thông tin, chứ không chỉ riêng nhân viên công nghệ thông tin."

Các bác sĩ cũng ghi nhận rào cản từ hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa có quy định cụ thể về dịch vụ Hội chẩn Giải phẫu bệnh từ xa, về thanh toán bảo hiểm… dẫn đến khó khăn trong huy động nguồn kinh phí.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thông tin, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu hành lang pháp lý cho KCB từ xa, đồng thời giải quyết các dự án về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Thứ trưởng hy vọng, thành quả của dự án này được lan tỏa tới những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý