Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện E - Ảnh: BVCC.
Đột quỵ lần hai: Nguy cơ và cách phòng ngừa
Podcast: Trời lạnh dễ gây đột quỵ?
Liệt nửa người do đột quỵ não có phục hồi được không?
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi trời chuyển lạnh
Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, mấy ngày qua, thời tiết chuyển lạnh sâu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Điều đáng nói, đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, khiến nhiều người bệnh chủ quan.
Như trường hợp tối 18/12, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ dù tuổi còn khá trẻ.
Người bệnh là nam, 34 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Ngay lập tức, các bác sĩ Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu của Bệnh viện E đã tiến hành cấp cứu người bệnh, tiến hành làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, xác định người bệnh bị đột quỵ não.
Theo lời kể, tan giờ làm việc, người bệnh ở lại cơ quan chơi thể thao (bóng bàn) nhưng đang chơi thì quỵ xuống. Lúc đầu mọi người đều nghĩ anh bị “trúng gió”, nhưng rất nhanh sau đó quan sát thấy người bệnh có biểu hiện yếu nửa người, nói khó… nên đã đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E.
Người bệnh được chẩn đoán là tắc mạch máu não cấp đến trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu. Sau khi chụp CT và các bác sĩ đã chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não để điều trị.
Một trường hợp khác là người bệnh 89 tuổi, ở Nam Trực (Nam Định) được chuyển từ cơ sở y tế tuyến huyện lên Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội với chẩn đoán bệnh lý mạch vành; sau đó chuyển tiếp sang Bệnh viện E trong đêm 18/12 do có cơn đau thắt ngực kèm viêm phế quản…
Bệnh nhân này được các bác sĩ Bệnh viện E chẩn đoán sơ bộ có nguy cơ nhồi máu cơ tim nên đã tiến hành hội chẩn khẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch để đưa ra phương án điều trị kịp thời cho người bệnh. Kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy người bệnh ở tình trạng nguy hiểm do tổn thương cơ tim gây nên…
Rất may do người bệnh đáp ứng tốt thuốc điều trị tim mạch nên sau điều trị đã phục hồi tốt.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên khuyến cáo, để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích…Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... nếu thấy những đột ngột nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
"Khoảng thời gian vàng từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao" - BS Vĩnh Yên nhấn mạnh.
Bệnh viện E là một trong số ít cơ sở y tế ở Hà Nội đã tối ưu hóa thời gian từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ từ 25-30 phút. Bệnh viện đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp cho đột quỵ như: kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo ô-xy não...
Cùng với Đơn vị đột quỵ can thiệp tim mạch, mạch máu cấp cứu; Đơn vị siêu âm thực quản, siêu âm tim và điện tâm đồ gắng sức Trung tâm tim mạch thì dự án vận chuyển người bệnh cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E đã đi vào hoạt động là bước phát triển quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, phù hợp thực tiễn nhu cầu cũng như quy định của Bộ Y tế.
Bình luận của bạn