“Nóng” dịch tay chân miệng, cách phân biệt với sốt xuất huyết?

Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng thường bùng phát vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam

Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng báo động tại TP.HCM

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng độ 1 cha mẹ cần lưu ý

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Khi nào cần nhập viện?

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

Số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng không cao như cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh tập trung chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng. Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây. Một phần nguyên nhân đến từ việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch… sôi nổi trở lại sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Bệnh tay chân miệng cũng lây truyền dễ dàng và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Mùa dịch tay chân miệng cũng trùng với nhiều bệnh mùa Hè ở trẻ như sốt xuất huyết. Nhiều phụ huynh khá lúng túng do triệu chứng ban đầu của 2 bệnh đều có sốt cao. Trao đổi với báo Giao thông, BS Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, sốt xuất huyết hay tay chân miệng đều là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên ở người bệnh là sốt, sau đó là phát ban.

Trẻ bị tay chân miệng có triệu chứng loét miệng, hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân

Trẻ bị tay chân miệng có triệu chứng loét miệng, hồng ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân

Tuy nhiên, sốt xuất huyết thì sốt kèm theo nổi ban màu đỏ. Còn bệnh tay chân miệng thường nổi ban màu hồng (đôi khi dạng phỏng nước) rải rác trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường quấy khóc.

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Thục - Trung tâm Y tế Quận 10 (TP.HCM), cha mẹ có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ. Nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.

Cha mẹ cần phân biệt bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng để có hướng xử trí tốt nhất và tránh biến chứng cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Với bệnh tay chân miệng, nếu trẻ vẫn sốt cao kéo dài sang ngày thứ 2 nên đi khám bác sỹ. Các biến chứng của bệnh chân tay miệng như: Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2-5 của bệnh với các biểu hiện như: Giật mình chới với, ngủ nhiều, li bì, run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân… Đây là những dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ ngay lập tức đưa trẻ nhập viện ngay cả trong đêm.

Triệu chứng xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết

Triệu chứng xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết

Còn với trẻ mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3-7 tính từ ngày khởi phát. Các triệu chứng sốc, bao gồm: Trẻ từ trạng thái tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã; Trẻ có những cơn đau bụng dữ dội; Tay, chân lạnh; Da trẻ đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại. Trẻ tiểu ít hoặc không tiểu chút nào. Trẻ bắt đầu có biểu hiện khát nước, đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết và tay chân miệng đều là bệnh do virus gây ra, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con dùng kháng sinh. Chỉ được dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ, trong trường hợp bé bị bội nhiễm. Đối với bệnh sốt xuất huyết, không được dùng aspirin để hạ sốt cho cả người lớn và trẻ em.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Các trường học cần thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ