Sốt là một trong những dấu hiệu căn bản nhất khi cơ thể bị nhiễm bệnh. Tùy cơ địa, loại bệnh, mức độ trầm trọng, độ tuổi… mà cơn sốt có thể nhẹ hay dữ dội, kéo dài hay sớm kết thúc. Tuy nhiên, những cơn sốt nguy hiểm nhất, dữ dội nhất thường tấn công trẻ em ở một số loại bệnh rất thường gặp như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt siêu vi, cúm… Chúng có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không được can thiệp kịp thời.
Di chứng não: Rất nguy hiểm
Đưa con đi tập vật lý trị liệu ở khoa nhi một bệnh viện (BV), chị N.H.A.N (32 tuổi, quê Lâm Đồng), nghẹn ngào cho biết bé L. (4 tuổi) khi sinh ra rất lanh lợi nhưng sau một cơn sốt cao hồi 12 tháng tuổi, cháu đã bị bại não, bị giảm sút cả về trí tuệ lẫn khả năng vận động. Nhà N. ở một huyện hẻo lánh, muốn đến trạm y tế phải đi bộ khá xa, nên khi con bị sốt vào giữa đêm, chị chỉ lấy khăn lau mát. Đến sáng tỉnh dậy thì bé L. đã gần như lịm đi, chị sợ quá đưa con đến cơ sở y tế nhưng đã muộn.
BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết BV này cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự, gặp nhiều nhất ở trẻ vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện được chăm sóc y tế đầy đủ.
Biến chứng đa dạng
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1, TP HCM, sốt là triệu chứng rất thường gặp, là phản ứng thông thường của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… xâm nhập. Trong một số căn bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, viêm màng não…người ta có thể sốt rất cao và khó hạ dù đã được uống thuốc và lau mát.
"Sốt trên 40 độ C, kéo dài mà không được can thiệp kịp thời có thể gây những biến chứng như co giật, mất nước, biến chứng về hô hấp và tim mạch, rối loạn đông máu, di chứng thần kinh, vận động…, thậm chí có thể tử vong nếu diễn tiến nặng gây suy đa cơ quan. Một dạng rất đáng chú ý là sốt do viêm não có thể gây rối loạn trung tâm điều nhiệt khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não dù được cứu sống" - BS Tiến nói.
Theo BS Tiến, cơn sốt từ 38 độ C trở lên (đo qua cặp nhiệt ở nách) cần được xử lý. Dễ dàng nhất là sử dụng thuốc hạ sốt (paracetamol - còn có các tên thương mại thông dụng là panadol, efferalgan, acemol…), kết hợp với lau mát ở những vùng tập trung nhiều dây thần kinh như nách, bẹn, cổ… Nếu sốt kéo dài trên 2 ngày, đã uống thuốc 2-3 lần mà không khỏi, lau mát nhiều lần không hạ… thì nên đến BV để kiểm tra. Trường hợp cơn sốt quá cao (trên 40 độ C), sốt kèm co giật, bứt rứt, da nổi bông, tay chân lạnh, nôn ói, lơ mơ…, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay.
"Liều dùng thuốc hạ sốt paracetamol là khoảng 10-15 mg/kg/lần. Trẻ em nên được dùng những viên nhỏ, thuốc hạ sốt dạng siro… Đừng bao giờ nghĩ rằng dùng nhiều thuốc hơn thì sẽ mau hạ sốt hơn. Dùng 2 viên 1 lần không hề có tác dụng nhiều hơn 1 viên, trái lại còn hại gan. Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc phải từ 4-6 giờ, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 60 mg thuốc/kg trọng lượng" - BS Tiến lưu ý.
Bình luận của bạn